Các phụ lục của VPA và nội dung

Các phụ lục của VPA và nội dung

Danh mục hàng hóa được đề cập trong Phụ lục này được xây dựng trên cơ sở “Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa” theo Công ước quốc tế về Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa của Tổ chức Hải quan thế giới (gọi tắt là Danh mục HS). Xem và tải toàn bộ Phụ lục I tại đây  

Giới thiệu

Định nghĩa gỗ hợp pháp (LD) bao gồm các nguyên tắc, tiêu chí, chỉ số và bằng chứng về gỗ hợp pháp theo quy định pháp luật của Việt Nam. LD sẽ được cập nhật, bổ sung trong quá trình thực thi Hiệp định theo quy định tại Điều 24 của Hiệp định này. LD là một cấu phần không thể tách rời của Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp (VNTLAS) như quy định tại Phụ lục V. Phụ lục này được Tổ công tác liên ngành xây dựng thông qua quá trình tham vấn rộng rãi với các cơ quan chính phủ, hiệp hội, doanh nghiệp, tổ chức dân sự xã hội, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng địa phương. Các hình thức tham vấn gồm: tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan, góp ý trực tuyến và lấy ý kiến góp ý bằng văn bản từ các tổ chức, cá nhân về các dự thảo của LD. Văn bản pháp luật Việt Nam dẫn chiếu trong Phụ đính 1A và 1B của Phụ lục này được công bố công khai, bao gồm: Luật, Pháp lệnh của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định và Thông tư của Bộ hoặc liên Bộ.

Cấu trúc và nội dung của định nghĩa gỗ hợp pháp

LD được xây dựng cho hai nhóm đối tượng (Tổ chức và Hộ gia đình) như được xác định tại mục 2.2.1 của Phụ lục V, nhằm phản ánh sự khác nhau về quy định luật pháp mà hai nhóm đối tượng này phải tuân thủ, đồng thời giúp thiết kế Hệ thống VNTLAS rõ ràng, cụ thể và khả thi như quy định tại Phụ lục V. LD cho Tổ chức được quy định tại Phụ đính 1A và LD cho Hộ gia đình được quy định tại Phụ đính 1B của Phụ lục này.

LD được chia thành 7 nguyên tắc như sau:

  1. Đối với Tổ chức
  • Nguyên tắc I: Khai thác gỗ trong nước tuân thủ các quy định về quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, quản lý, môi trường và xã hội
  • Nguyên tắc II: Tuân thủ các quy định về xử lý gỗ tịch thu
  • Nguyên tắc III: Tuân thủ các quy định về nhập khẩu gỗ
  • Nguyên tắc IV: Tuân thủ các quy định về vận chuyển và buôn bán gỗ
  • Nguyên tắc V: Tuân thủ các quy định về chế biến gỗ
  • Nguyên tắc VI: Tuân thủ các quy định về xuất khẩu
  • Nguyên tắc VII: Tuân thủ các quy định về thuế và lao động
  1. Đối với hộ gia đình
  • Nguyên tắc I: Khai thác gỗ trong nước tuân thủ các quy định về quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, quản lý và môi trường và xã hội
  • Nguyên tắc II: Tuân thủ các quy định về xử lý gỗ tịch thu
  • Nguyên tắc III: Tuân thủ các quy định về nhập khẩu gỗ
  • Nguyên tắc IV: Tuân thủ các quy định về vận chuyển và buôn bán gỗ
  • Nguyên tắc V: Tuân thủ các quy định về chế biến gỗ
  • Nguyên tắc VI: Tuân thủ các quy định về xuất khẩu
  • Nguyên tắc VII: Tuân thủ các quy định về thuế
  • LD áp dụng cho Tổ chức và cho Hộ gia đình bao gồm 7 nguyên tắc chung nêu trên, tuy nhiên một số nguyên tắc của mỗi nhóm có sự khác nhau về số lượng tiêu chí, chỉ số và bằng chứng. Một số quy định áp dụng cho Hộ gia đình đơn giản hơn so với Tổ chức. Sự khác biệt quan trọng nhất thể hiện tại Nguyên tắc I, IV và VII, cụ thể như sau:
Nguyên tắc I. Khai thác gỗ trong nước tuân thủ các quy định về quyền sử dụng đất, sử dụng rừng, quản lý, môi trường và xã hội: Cả LD cho Tổ chức và cho Hộ gia đình đều có 8 tiêu chí, nhưng các tiêu chí lại có sự khác nhau. Tiêu chí 1: Tuân thủ các quy định về khai thác chính gỗ rừng tự nhiên áp dụng cho Tổ chức và không áp dụng cho Hộ gia đình. Tiêu chí 7: Tuân thủ các quy định về khai thác gỗ rừng trồng trong vườn nhà, trang trại và cây phân tán áp dụng cho Hộ gia đình và không áp dụng cho Tổ chức (mô tả chi tiết dưới đây).
  • Nguyên tắc IV. Tuân thủ các quy định về vận chuyển và buôn bán gỗ: LD áp dụng cho Tổ chức gồm 10 tiêu chí và LD áp dụng cho Hộ gia đình gồm 7 tiêu chí. Các tiêu chí bổ sung của LD cho Tổ chức mà không áp dụng đối với Hộ gia đình liên quan đến việc tuân thủ các quy định về đăng ký doanh nghiệp, vận chuyển nội bộ gỗ, sản phẩm gỗ trong địa bàn một tỉnh và vận chuyển nội bộ gỗ, sản phẩm gỗ trên địa bàn khác tỉnh.
  • Nguyên tắc VII. LD áp dụng cho Tổ chức bao gồm việc Tuân thủ các quy định về thuế và lao động (3 tiêu chí), trong khi LD áp dụng cho Hộ gia đình chỉ bao gồm việc Tuân thủ các quy định về thuế (1 tiêu chí). Điều này phản ánh sự khác biệt trong các quy định về lao động được áp dụng cho Hộ gia đình so với Tổ chức.
Trong LD và VNTLAS có sự phân biệt giữa bằng chứng tĩnh và bằng chứng động như mô tả tại Mục 4.1 của Phụ lục V. Bằng chứng tĩnh (viết tắt là “S” trong bảng ma trận LD) liên quan đến việc thành lập và hoạt động của tổ chức và hộ gia đình, bao gồm nhưng không giới hạn các bằng chứng như đăng ký doanh nghiệp, quyền sử dụng đất lâm nghiệp, các quy định về thuế, môi trường và lao động. Bằng chứng động (viết tắt là “D” trong bảng ma trận LD) liên quan đến lô gỗ trong chuỗi cung ứng bao gồm nhưng không giới hạn các bằng chứng như bảng kê lâm sản và các hóa đơn tài chính trong Hồ sơ lâm sản tại mỗi giai đoạn của chuỗi cung ứng.

Giải thích các yếu tố định nghĩa gỗ hợp pháp

  1. Bằng chứng về quyền sử dụng đất và quyền sử dụng rừng
Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi và đảm bảo người trồng rừng trong nước có thể trồng và bán sản phẩm của mình. Theo đó, LD bao gồm các bằng chứng toàn diện và tổng thể về quyền sử dụng đất, sử dụng rừng được quy định tại Nguyên tắc I. Số lượng bằng chứng khác nhau phụ thuộc vào đối tượng sử dụng (Tổ chức hay Hộ gia đình) và loại rừng (Tiêu chí). Để xác định quyền sử dụng đất hợp pháp, Tổ chức và Hộ gia đình cần có một trong số các bằng chứng được quy định tại Nguyên tắc I của LD. Việc có nhiều bằng chứng về quyền sử dụng đất, sử dụng rừng là do quá trình thực hiện chính sách đất đai của Việt Nam qua các thời kỳ. Các bằng chứng chứng minh quyền sử dụng đất, sử dụng rừng trong các quy định trước vẫn còn có giá trị theo Luật đất đai hiện hành. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Sổ đỏ) được quy định lần đầu tiên trong Luật Đất đai năm 1993. Kể từ đó, việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dần dần được mở rộng cho tất cả những người sử dụng đất và cho tất cả loại đất trên toàn quốc. Quá trình này vẫn đang được tiến hành và có những trường hợp mà người sử dụng đất lâm nghiệp hợp pháp vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong trường hợp này, một vài bằng chứng thay thế có thể áp dụng và có thể được sử dụng để chứng minh quyền sử dụng đất và quyền sử dụng rừng hợp pháp như: Quyết định giao đất; Quyết định giao rừng; Quyết định giao đất lâm nghiệp; Quyết định giao rừng gắn với giao đất; Quyết định cho thuê đất, Hợp đồng giao khoán rừng; Sổ lâm bạ; hoặc Xác nhận của Ủy ban nhân dân xã. Theo Luật Đất đai, trong trường hợp Hộ gia đình không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoặc bất kỳ tài liệu nào chứng minh quyền sử dụng đất thì xác nhận của Ủy ban nhân dân xã rằng mảnh đất đó hiện đang được sử dụng và không có bất kỳ tranh chấp nào được coi là bằng chứng về quyền sử dụng đất hợp pháp.
  1. Khai thác gỗ từ vườn nhà, trang trại và cây phân tán
LD áp dụng cho Hộ gia đình không yêu cầu bằng chứng về quyền sử dụng đất trong trường hợp gỗ được khai thác từ vườn nhà, trang trại, vì đối tượng này không đáp ứng được tiêu chí của rừng trồng tập trung, hoặc được trồng ở những nơi không thể cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như ven đường, dọc bờ kênh, bờ mương. Khi có nhu cầu khai thác, hộ gia đình nộp báo cáo về địa danh, loài gỗ và khối lượng gỗ khai thác từ vườn nhà, trang trại và cây phân tán cho Ủy ban nhân dân xã biết để theo dõi và giám sát. Sau khi khai thác, hộ gia đình lập và tự xác nhận vào bảng kê lâm sản.
  1. Tuân thủ các quy định về xuất khẩu
Thủ tục cấp phép FLEGT cho lô hàng gỗ xuất khẩu sang thị trường EU được thực hiện trước khi làm thủ tục hải quan xuất khẩu theo quy định tại Phụ lục IV. Vì thế, Nguyên tắc VI tuân thủ quy định về thủ tục hải quan xuất khẩu được sử dụng để phân loại Tổ chức như quy định tại Phụ lục V.
  1. Định nghĩa
Trong phạm vị của Hiệp định, các thuật ngữ sử dụng trong LD được hiểu như sau: Nguyên tắc: là những phạm vi pháp lý và quy định luật pháp của Việt Nam bắt buộc Tổ chức và Hộ gia đình phải tuân thủ theo từng giai đoạn của chuỗi cung ứng như được quy định trong phụ lục II và phụ lục V. Tiêu chí: là một yêu cầu pháp luật bắt buộc đối Tổ chức và Hộ gia đình phải thực hiện để đảm bảo sự tuân thủ Nguyên tắc. Chỉ số: là một, hoặc nhiều biện pháp cụ thể mà Tổ chức và Hộ gia đình phải thực hiện để hoàn thành Tiêu chí. Bằng chứng: là chứng cứ chứng minh việc thực hiện Chỉ số hoặc Tiêu chí. Chủ rừng: là thuật ngữ đề cập tới các Tổ chức hoặc Hộ gia đình được Nhà nước giao hoặc cho thuê rừng, đất lâm nghiệp để sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp theo quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Thuyết minh thiết kế khai thác: là tài liệu mô tả về tình trạng cơ bản của khu khai thác, biện pháp khai thác, khối lượng, chủng loại sản phẩm khai thác, tận thu và các bảng biểu chi tiết về các chỉ tiêu, tiêu chuẩn kỹ thuật khai thác. Đơn vị thiết kế: là tổ chức có chức năng thiết kế khai thác rừng được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Khai thác chính: Khai thác chính gỗ rừng từ nhiên là việc chặt hạ cây rừng để lấy gỗ nhằm mục đích kinh tế đồng thời đảm bảo phát triển và sử dụng rừng bền vững được xác định trong phương án quản lý rừng bền vững theo quy định pháp luật hiện hành của Nhà nước. Khai thác chính trong rừng tự nhiên không áp dụng đối với Hộ gia đình. Phiếu bài cây: là tài liệu ghi chép về tên, kích thước của những cây được phép chặt hạ trong khu vực thiết kế khai thác. Báo cáo địa danh và khối lượng khai thác: làđưa ra những thông tin về khu vực khai thác và khối lượng khai thác theo loài cây khác nhau từ các nguồn trong nước, bao gồm rừng tự nhiên, rừng trồng, gỗ cao su và cây phân tán. Bảng kê lâm sản (“Bảng kê”): là tài liệu bắt buộc phải có trong Hồ sơ Lâm sản tại mỗi giai đoạn trong chuỗi cung ứng. Bảng kê lâm sản là bảng ghi danh mục lâm sản trong cùng một lần nghiệm thu, mua bán, xuất, nhập hoặc lâm sản vận chuyển trên một phương tiện. Bảng kê lâm sản trong lưu thông bao gồm các thông tin về tên và loại lâm sản, đơn vị tính, quy cách, khối lượng và số lượng lâm sản, tại cuối mỗi trang của bảng kê lâm sản ghi tổng khối lượng lâm sản. Bảng kê lâm sản khai thác: Bảng kê lâm sản khai thác bao gồm thông tin về địa danh, chủng loại và khối lượng (số lượng và đường kính) của lâm sản sẽ được khai thác. Sổ theo dõi nhập, xuất lâm sản: là sổ ghi chép lâm sản nhập, xuất của Tổ chức khai thác, chế biến, kinh doanh lâm sản. Gỗ chưa qua chế biến: là gỗ sau khai thác, nhập khẩu, xử lý tịch thu chưa chịu tác động bởi các loại công cụ, thiết bị và còn giữ nguyên hình dạng, kích thước ban đầu. Khai thác tận dụng và tận thu: là việc khai thác cây gỗ trong quá trình thực hiện các biện pháp lâm sinh, nghiên cứu khoa học và giải phóng mặt bằng khi chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Khai thác tận thu gỗ là việc thu gom cây gỗ bị đổ gãy, bị chết do thiên tai, gỗ cháy, gỗ khô mục, cành, ngọn còn nằm trong khu rừng. Hồ sơ lâm sản hợp pháp (“Hồ sơ lâm sản”): là các tài liệu ghi chép về lâm sản được chuẩn bị, lưu giữ tại cơ sở sản xuất, kinh doanh lâm sản (Tổ chức và Hộ gia đình) và lưu hành cùng với lâm sản trong quá trình khai thác, mua bán, vận chuyển, chế biến, cất giữ. Rừng phòng hộ: là rừng được sử dụng chủ yếu để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, chống sa mạc hoá, hạn chế thiên tai, điều hoà khí hậu và bảo vệ môi trường. Rừng đặc dụng: là rừng được sử dụng chủ yếu nhằm mục đích bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn mẫu chuẩn hệ sinh thái của quốc gia và bảo tồn nguồn gen sinh vật rừng; nghiên cứu khoa học; bảo vệ di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh phục vụ nghỉ ngơi, du lịch kết hợp với bảo vệ môi trường. Rừng sản xuất: là rừng được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh gỗ, lâm sản ngoài gỗ kết hợp với bảo vệ môi trường.

Phụ luc II/Phụ đính 1A. Định nghĩa gỗ hợp pháp đối với tổ chức

I. Nộp giấy phép

  1. Giấy phép được nộp cho cơ quan có thẩm quyền của nước thành viên Liên minh mà lô hàng được cấp phép được khai báo để thông quan cho phép lưu thông tự do. Giấy phép có thể được nộp bằng đường điện tử hoặc một hình thức nhanh chóng khác.
  2. Theo quy trình, thủ tục hiện hành của quốc gia, cơ quan có thẩm quyền thông báo cho các cơ quan hải quan ngay sau khi giấy phép được chấp nhận.

II. Kiểm tra giá trị pháp lý của giấy phép

  1. Giấy phép bằng giấy phải phù hợp với mẫu giấy phép được quy định tại Phụ lục IV. Bất kỳ giấy phép nào không đáp ứng với yêu cầu và các thông số kỹ thuật được quy định tại Phụ lục IV sẽ không có giá trị.
  2. Giấy phép được coi là không còn hiệu lực nếu được nộp muộn hơn ngày hết hạn ghi trên giấy phép.
  3. Bất kỳ việc tẩy xóa hoặc thay đổi trên giấy phép đều không được chấp nhận trừ khi việc tẩy xóa hoặc thay đổi đó được xác nhận bởi Cơ quan cấp phép.
  4. Việc gia hạn hiệu lực của giấy phép sẽ không được chấp nhận trừ khi việc đó được Cơ quan cấp phép xác nhận.
  5. Bản sao giấy phép hoặc giấy phép thay thể không được chấp nhận trừ khi bản sao giấy phép hoặc giấy phép thay thế được Cơ quan cấp phép ban hành và xác nhận

III. Yêu cầu thông tin bổ sung

  1. Trong trường hợp có nghi ngờ về tính pháp lý hoặc tính xác thực của giấy phép, bản sao giấy phép hoặc giấy phép thay thế, các Cơ quan có thẩm quyền có thể yêu cầu thông tin bổ sung từ Cơ quan cấp phép
  2. Một bản chụp của giấy phép, bản sao giấy phép hoặc giấy phép thay thế bị nghi ngờ sẽ được gửi chuyển lại cho Cơ quan cấp phép cùng với yêu cầu thông tin bổ sung.
  3. Nếu cần thiết, Cơ quan cấp phép sẽ thu hồi giấy phép và ban hành một bản giấy phép đã được hiệu đính, được xác thực bằng dấu “Bản sao” và gửi đến Cơ quan có thẩm quyền.

IV. Xác minh tính phù hợp của giấy phép với lô hàng

  1. Nếu thấy cần phải xác minh thêm lô hàng trước khi các Cơ quan có thẩm quyền quyết định xem giấy phép có thể được chấp nhận hay không thì việc kiểm tra sẽ được tiến hành để xác minh xem lô hàng bị nghi ngờ có phù hợp với với các thông tin được chỉ ra trong giấy phép và phù hợp với hồ sơ liên quan đến giấy phép này được lưu giữ tại Cơ quan cấp phép.
  2. Trong trường hợp khối lượng hay trọng lượng của các sản phẩm gỗ trong lô hàng xuất trình để thông quan đưa vào lưu thông tự do không sai lệch trên 10% so với khối lượng và trọng lượng được nêu trên giấy phép tương ứng thì lô hàng này sẽ được xem là phù hợp với các thông tin nêu trong giấy phép về mặt khối lượng hay trọng lượng.
  3. Trong trường hợp có nghi ngờ về tính phù hợp giữa lô hàng với giấy phép FLEGT, Cơ quan có thẩm quyền liên quan có thể yêu cầu Cơ quan cấp phép làm rõ thêm.
  4. Cơ quan cấp phép có thể yêu cầu Cơ quan có thẩm quyền gửi bản chụp của giấy phép hoặc giấy phép thay thế bị nghi ngờ.
  5. Nếu cần thiết, Cơ quan cấp phép sẽ thu hồi giấy phép và cấp giấy phép đã được hiệu đính, được xác thực bằng dấu “Bản sao” và gửi đến Cơ quan có thẩm quyền.
  6. Nếu Cơ quan có thẩm quyền không nhận được câu trả lời trong vòng 21 ngày đối với yêu cầu làm rõ thêm, Cơ quan có thẩm quyền sẽ không chấp nhận giấy phép và sẽ hành động theo quy định pháp luật hiện hành của quốc gia.
  7. Giấy phép không được chấp nhận nếu sau khi cung cấp thông tin bổ sung theo quy định tại Điều 3 của Phụ lục này hoặc điều tra bổ sung theo quy định tại Điều 4 của Phụ lục này chứng minh rằng giấy phép không tương thích với lô hàng.

V. Xác minh trước khi lô hàng cập cảng

  1. Giấy phép có thể nộp trước khi lô hàng được cấp phép cập cảng.
  2. Giấy phép được chấp nhận nếu đáp ứng tất cả các yêu cầu quy định tại Phụ lục IV và việc xác minh bổ sung theo yêu cầu tại Điều 3 và Điều 4 của Phụ lục này được coi là không cần thiết.

VI. Các vấn đề khác

  1. Các chi phí phát sinh trong quá trình xác minh do nhà nhập khẩu chi trả, ngoại trừ pháp luật hiện hành của nước thành viên của Liên minh Châu Âu có liên quan có quy định khác.
  2. Trong trường hợp có sự bất đồng hoặc khó khăn phát sinh trong quá trình xác minh giấy phép FLEGT, vấn đề đó sẽ được chuyển cho Ủy ban Thực thi Chung.

VII. Thông quan để lưu thông tự do

  1. Số tham chiếu được điền vào ô số 44 của Tờ khai hành chính tích hợp khi thực hiện khai báo hải quan để thông quan đưa vào lưu thông tự do là số trên giấy phép được cấp cho lô hàng phải làm thủ tục khai báo hải quan.
  2. Trong trường hợp khai báo hải quan được thực hiện bằng phương pháp điện tử, số tham chiếu sẽ được được điền trong ô thích hợp.
Tải xuống Phụ lục III tại đây

 1. Yêu cầu và quy định chung về cấp phép FLEGT

  • Bất kỳ lô gỗ và/hoặc sản phẩm gỗ (sau đây gọi tắt là gỗ) thuộc Phụ lục I của Hiệp định này xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường của Liên minh phải có giấy phép FLEGT. Theo Hiệp định này và Quy chế của Hội đồng Châu Âu (EC) số 2173/2005, Liên minh chỉ chấp nhận các lô gỗ nhập khẩu vào Liên minh từ Việt Nam khi các lô gỗ đó có giấy phép FLEGT.
  • Theo Khoản (f) Điều 2 của Hiệp định này, Giấy phép FLEGT là văn bản pháp lý của Việt Nam để khẳng định một lô gỗ xuất khẩu sang Liên minh được sản xuất hợp pháp và được xác minh theo các tiêu chí quy định tại Hiệp định này.
  • Giấy phép FLEGT được cấp cho một lô gỗ, của một nhà xuất khẩu và đến cửa khẩu nhập khẩu đầu tiên vào Liên minh. Một giấy phép FLEGT chỉ được sử dụng một lần để khai báo thủ tục nhập khẩu gỗ tại một Cơ quan Hải quan của Liên minh.
  • Giấy phép FLEGT được cấp trước khi thông quan tại Việt Nam.
  • Giấy phép FLEGT có thể được cấp theo hình thức Giấy phép giấy hoặc Giấy phép điện tử. Mẫu giấy phép FLEGT do Cơ quan cấp phép FLEGT của Việt Nam ban hành dưới dạng song ngữ, bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Thông tin trên giấy phép được điền bằng tiếng Anh. Cả Giấy phép giấy và Giấy phép điện tử phải bao gồm tất cả các thông tin quy định tại Mẫu giấy phép FLEGT và được hướng dẫn tại Phụ đính 1 của Phụ lục IV này.
  • Đối với lô gỗ hỗn hợp mà không thể kê khai hết các thông tin theo yêu cầu tại Mẫu 1 của Phụ đính 1 của Phụ lục này, các thông tin định tính và định lượng liên quan đến mô tả hàng hóa sẽ được kê khai vào Bảng mô tả hàng hóa bổ sung đi kèm Giấy phép theo quy định tại Mẫu 2 của Phụ đính 1 của Phụ lục này. Trường hợp này, ô tương ứng trong Giấy phép sẽ chỉ điền thông tin tham chiếu đến Bảng mô tả hàng hóa bổ sung đi kèm Giấy phép.
  • Trong tương lai, bên cạnh cấp Giấy phép FLEGT cho gỗ xuất khẩu vào thị trường Liên minh, Việt Nam có thể xem xét áp dụng hệ thống cấp phép dựa trên VNTLAS cho tất cả các thị trường xuất khẩu.

2. Thông số kỹ thuật về Giấy phép FLEGT

  • Giấy phép FLEGT phải theo định dạng được quy định tại Phụ đính 1 của Phụ lục này.
  • Khổ giấy tiêu chuẩn của Giấy phép FLEGT là A4.
  • Các thông tin của Giấy phép FLEGT được điền bằng cách đánh máy hoặc bằng máy vi tính.
  • Giấy phép FLEGT phải có dấu của Cơ quan cấp phép FLEGT. Tuy nhiên, dấu rập nổi hoặc dấu đục lỗ có thể thay thế cho dấu của Cơ quan cấp phép FLEGT.
  • Cơ quan cấp phép FLEGT phải sử dụng biện pháp chống làm giả để đảm bảo tính xác thực của giấy phép FLEGT và thông tin về số lượng, khối lượng hàng hóa trên Giấy phép không thể tự ý thay đổi bằng cách chèn thêm số.
  • Giấy phép FLEGT không được có bất kỳ sự tẩy xóa hoặc sửa đổi nào trừ khi những thay đổi đó được Cơ quan cấp phép FLEGT xác nhận bằng cách ký và đóng dấu.

3. Các bản chụp của giấy phép FLEGT

  • Cơ quan cấp phép FLEGT ban hành một bản gốc Giấy phép FLELGT duy nhất cho người làm đơn xin cấp phép để gửi cho nhà nhập khẩu.
  • Nhà nhập khẩu sẽ nộp giấy phép FLEGT gốc của lô hàng cho Cơ quan có thẩm quyền của nước thành viên Liên minh, nơi mà lô hàng được khai báo để thông quan và được lưu thông tự do.
  • Các bản chụp điện tử của giấy phép FLEGT sẽ được gửi cho Cơ quan Hải quan và Cơ quan có thẩm quyền về FLEGT của nước thành viên Liên minh.
  • Cơ quan cấp phép sẽ lưu bản chụp điện tử của các Giấy phép FLEGT đã ban hành nhằm mục đích xác minh Giấy phép trong tương lai. Một hệ thống sẽ được áp dụng để đảm bảo rằng cơ sở dữ liệu điện tử và bản chụp của các giấy phép FLEGT được lưu giữ sẽ có giá trị pháp lý theo quy định của Luật Giao dịch điện tử số 51/2005/QH11.
  • Việc thông quan để lưu thông tự do gỗ trong Liên minh EU tuân thủ theo quy định tại Phụ lục III.

4. Yêu cầu về giấy phép đối với gỗ thuộc quy định của CITES

  • Gỗ của loài thực vật thuộc các Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) hoặc sản phẩm gỗ có chứa gỗ của loài thực vật thuộc các Phụ lục CITES khi tham gia chuỗi cung ứng của Việt Nam là đối tượng chịu xác minh của VNTLAS như các loại gỗ khác.
  • Trước khi xuất khẩu, Cơ quan quản lý CITES Việt Nam phải đảm bảo rằng gỗ của loài thực vật thuộc các Phụ lục của CITES hoặc sản phẩm gỗ có chứa gỗ của loài thực vật gỗ thuộc các Phụ lục CITES đáp ứng tất cả các yêu cầu của VNTLAS.
  • Cơ quan quản lý CITES Việt Nam sẽ cấp giấy phép CITES cho lô hàng chỉ có gỗ của loài thuộc các Phụ lục của CITES hoặc sản phẩm gỗ có chứa gỗ của loài thực vật gỗ thuộc các Phụ lục CITES xuất khẩu đi Liên minh và lô hàng này được miễn trừ giấy phép FLEGT.

5. Thủ tục cấp phép

Cơ quan cấp phép
Cơ quan cấp phép FLEGT của Việt Nam là Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam. Cơ quan cấp phép có trách nhiệm lưu giữ dữ liệu và thông tin liên quan về việc cấp phép FLEGT, trao đổi thông tin giữa Việt Nam với các Cơ quan có thẩm quyền về FLEGT của các nước thành viên Liên minh cũng như giữa các cơ quan có thẩm quyền khác của Việt Nam hoặc người được cấp phép về các vấn đề liên quan đến cấp phép FLEGT. Các yêu cầu chi tiết và thủ tục cấp, gia hạn, thay thế, thu hồi và quản lý giấy phép FLEGT được Chính phủ Việt Nam quy định bằng văn bản quy phạm pháp luật sau khi Hiệp định này được ký kết. Thủ tục cấp phép được công bố công khai. Chính phủ Việt Nam sẽ cung cấp cho Liên minh và các nước thành viên của Liên minh mẫu giấy phép, mẫu dấu của Cơ quan cấp phép và mẫu chữ ký của người được ủy quyền. Cơ quan cấp phép sẽ xây dựng hệ thống để tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp phép  bằng giấy và điện tử phù hợp với năng lực và địa điểm của các nhà xuất khẩu. Khi đáp ứng điều kiện thích hợp, hệ thống cấp phép FLEGT sẽ tích hợp với Hệ thống Một cửa Quốc gia của Việt Nam. Theo định nghĩa về ‘hàng hóa phi mậu dịch’ được quy định tại Khoản 1 Điều 6 của Quy chế Ủy ban Châu Âu (EEC) số 2454/93 ngày 2/7/1993 quy định việc thực hiện Quy chế Hội đồng Châu Âu (EEC) số 2913/1992 về việc thiết lập Mã Hải quan Cộng đồng Châu Âu, các sản phẩm mẫu và sản phẩm trưng bày vì mục đích thương mại đều phải tuân theo cơ chế cấp phép FLEGT khi xuất khẩu vào thị trường Liên minh.
Hồ sơ lâm sản đề nghị cấp phép FLEGT
Hồ sơ lâm sản đề nghị cấp phép FLEGT của nhà xuất khẩu bao gồm các văn bản sau:
  1. Đơn đề nghị cấp phép FLEGT;
  2. Hợp đồng mua bán hoặc tương đương;
  3. Bảng kê lâm sản;
  4. Hóa đơn theo quy định của Bộ Tài chính Việt Nam;
  5. Một hoặc các tài liệu bổ sung khác theo các giai đoạn cụ thể của chuỗi cung ứng gỗ của các nguồn gốc gỗ khác nhau (ví dụ như biên bản đóng búa kiểm lâm) nhằm cung cấp bằng chứng về tính hợp pháp của nguồn gỗ đó như được quy định trong Phụ đính 2 của Phụ lục V.
Thành phần Hồ sơ lâm sản đề nghị cấp phép FLEGT, bao gồm các yêu cầu chi tiết đối với sản phẩm mẫu và sản phẩm trưng bày, sẽ được Chính phủ Việt Nam quy định cụ thể trong văn bản quy phạm pháp luật về cấp phép FLEGT và ban hành sau khi Hiệp định được ký kết.
Thủ tục cấp giấy phép
Thủ tục cấp phép được minh họa ở Biểu đồ 1. Bước 1: Tiếp nhận hồ sơ Nhà xuất khẩu sang Liên minh nộp Hồ sơ lâm sản đề nghị cấp phép FLEGT đối với từng lô gỗ xuất khẩu cho Cơ quan cấp phép FLEGT. Thành phần Nội dung của hồ sơ được quy định tại Mục 2.1 nêu trên. Bước 2: Kiểm tra hồ sơ Cơ quan cấp phép sẽ tiến hành các bước kiểm tra hồ sơ sau: (a) Kiểm tra tình trạng nhóm rủi ro trong Hệ thống phân loại tổ chức theo quy định tại Phụ lục V Hiệp định này để đảm bảo tính chính xác của nhóm rủi ro mà nhà xuất khẩu khai báo trong Hồ sơ lâm sản xuất khẩu và bảng kê lâm sản được xác nhận phù hợp với tình trạng nhóm rủi ro của Tổ chức. (b) Kiểm tra tính đầy đủ của Hồ sơ lâm sản đề nghị cấp phép FLEGT của Tổ chức và Hộ gia đình theo yêu cầu được quy định tại mục 2.1 nêu trên. Trong trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, Cơ quan cấp phép sẽ từ chối xử lý hồ sơ và thông báo cho nhà xuất khẩu về yêu cầu bổ sung thêm thông tin hoặc tài liệu cần thiết; (c) Kiểm tra tính hợp pháp, hợp lệ của tài liệu trong Hồ sơ lâm sản đề nghị cấp phép FLEGT. Trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ, Cơ quan cấp phép sẽ phối hợp với Cơ quan xác minh và các chủ thể xác minh khác kiểm tra, làm rõ tính hợp pháp của lô hàng. Bước 3: Quyết định cấp phép Trường hợp Hồ sơ lâm sản đề nghị cấp phép FLEGT tuân thủ các yêu cầu của VNTLAS, Cơ quan cấp phép sẽ cấp phép FLEGT cho lô hàng. Trường hợp Hồ sơ lâm sản đề nghị cấp phép FLEGT không tuân thủ các yêu cầu của VNTLAS, Cơ quan cấp phép sẽ từ chối cấp phép FLEGT cho lô hàng và sẽ xử lý hoặc chuyển giao cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật khi phát hiện hành vi vi phạm.

6.      Hiệu lực, thu hồi và cấp thay thế giấy phép FLEGT

Hiệu lực và gia hạn giấy phép FLEGT
Giấy phép FLEGT có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Hiệu lực tối đa của Giấy phép FLEGT là 06 tháng. Ngày hết hiệu lực của giấy phép FLEGT được ghi trên giấy phép. Sau khi hết hiệu lực, giấy phép FLEGT có thể được Cơ quan cấp phép FLEGT gia hạn 01 lần duy nhất với thời hạn tối đa 02 tháng. Trong trường hợp có  yêu cầu gia hạn Giấy phép, nhà xuất khẩu phải nộp văn bản đề nghị cho Cơ quan cấp phép FLEGT và giải trình lý do xin gia hạn. Khi được gia hạn, Cơ quan cấp phép FLEGT sẽ ghi chèn ngày hết hạn mới trên giấy phép FLEGT.
  • Thu hồi giấy phép FLEGT
Giấy phép FLEGT bị thu hồi trong các trường hợp sau:
  • Nhà xuất khẩu có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến lô gỗ bị phát hiện sau khi đã cấp Giấy phép FLEGT.
  • Giấy phép FLEGT hết hạn mà nhà xuất khẩu không xuất khẩu và/hoặc không đề nghị gia hạn giấy phép cho lô gỗ.
  • Nhà xuất khẩu tự nguyện trả lại Giấy phép.
    • Cấp thay thế giấy phép FLEGT:
Giấy phép FLEGT có thể được cấp thay thế trong các trường hợp sau:
  • Giấy phép FLEGT bị mất, bị trộm hoặc bị hỏng;
  • Giấp phép FLEGT có sai sót, có lỗi trong quá trình soạn thảo giấy phép của Cơ quan cấp phép.
Trong trường hợp giấy phép FLEGT gốc bị mất, bị trộm hoặc bị hỏng, người được cấp phép hoặc người được ủy quyền có thể nộp đơn xin cấp thay thế Giấy phép FLEGT cho Cơ quan cấp phép FLEGT. Người được cấp phép hoặc được ủy quyền phải giải trình lý do giấy phép FLEGT gốc bị mất, bị trộm hoặc bị hỏng cùng với đơn xin cấp thay thế Giấy phép FLEGT. Giấy phép FLEGT thay thế sẽ bao gồm các thông tin trên giấy phép FLEGT ban đầu, bao gồm số giấy phép, và được xác nhận là “Giấy phép thay thế”. Trường hợp Giấy phép FLEGT bị mất hoặc bị trộm được tìm thấy, Giấy phép này không được phép sử dụng và phải gửi trả cho Cơ quan cấp phép FLEGT. Đối với giấy phép FLEGT có sai sót, có lỗi của Cơ quan cấp phép, Cơ quan cấp phép sẽ thu hồi giấy phép FLEGT đã cấp và cấp lại giấy phép FLEGT đã được hiệu chỉnh. Giấy phép này sẽ được xác nhận là “Giấy phép thay thế” và được gửi cho Cơ quan có thẩm quyền. Giấy phép thay thế và các bản chụp Giấy phép này được gửi cho Cơ quan Hải quan và Cơ quan thẩm quyền về FLEGT của Liên minh, bao gồm các thông tin trong giấy phép FLEGT đã cấp trước đó, như số giấy phép FLEGT đã cấp và ngày ban hành giấy phép thay thế.
  • Cấp lại giấy phép FLEGT
Nhà xuất khẩu sẽ yêu cầu cấp Giấy phép FLEGT mới khi có sự thay đổi về sản phẩm, mã HS, tên loài hoặc đơn vị, và bất kỳ sai lệch về số lượng và/hoặc khối lượng gỗ lớn hơn 10% so với giấy phép FLEGT đã cấp.

7.      Quản lý vi phạm liên quan đến cấp phép FLEGT

Trường hợp (a) có vi phạm hoặc gian lận thông tin liên quan đến Hồ sơ lâm sản đề nghị cấp phép FLEGT, hoặc (b) làm giả, thay đổi, sửa đổi thông tin trên giấy phép FLEGT, tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm, việc xử lý trách nhiệm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ được áp dụng theo quy định của pháp luật Việt Nam.

8.      Trách nhiệm của Cơ quan cấp phép FLEGT

  • Cấp giấy phép FLEGT cho nhà xuất khẩu theo quy định của Hiệp định này.
  • Thông báo cho Cơ quan có thẩm quyền của Liên minh về các trường hợp gia hạn, thu hồi, cấp lại, cấp bổ sung giấy phép FLEGT.
  • Trả lời các câu hỏi, cung cấp thêm thông tin, làm rõ các vấn đề liên quan đến cấp phép FLEGT theo yêu cầu của các Cơ quan có thẩm quyền của Liên minh và Việt Nam khi có nghi nghờ về tính xác thực và hợp pháp của giấy phép
  • Quản lý cơ sở dữ liệu về hồ sơ đề nghị cấp giấy phép bao gồm các trường hợp được cấp hoặc/và bị từ chối cấp giấy phép FLEGT.

Phụ lục IV/Phụ đính 1. Mẫu giấy phép FLEGT

1. Giới thiệu

Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp của Việt Nam (sau đây gọi là VNTLAS) nhằm mục đích đảm bảo gỗ và sản phẩm gỗ như được quy định trong Phụ lục I (sau đây gọi chung là gỗ) là hợp pháp. Gỗ xuất khẩu sang Liên minh Châu Âu (sau đây gọi là EU) thuộc đối tượng cấp phép FLEGT như được quy định trong phụ lục IV. VNTLAS được xây dựng dựa trên các quy định pháp luật liên quan đến từng giai đoạn của toàn bộ chuỗi cung ứng gỗ, bao gồm khai thác, nhập khẩu, vận chuyển, chế biến, mua bán và xuất khẩu. VNTLAS được xây dựng dựa trên luật pháp hiện hành của quốc gia, cùng với các quy định bổ sung được ban hành nhằm thực thi Hiệp định, với sự tham gia của các Bộ, ngành, địa phương, khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội dân sự liên quan đến lâm nghiệp và thương mại gỗ. VNTLAS bao gồm 7 cấu phần sau: 1) Định nghĩa gỗ hợp pháp (LD): Tổ chức và Hộ gia đình; 2) Tạo lập, xác minh và phê duyệt bằng chứng tại tất cả các giai đoạn của chuỗi cung ứng; 3) Hệ thống phân loại tổ chức (OCS) và xác minh dựa trên rủi ro; 4) Kiểm soát chuỗi cung ứng; 5) Cấp phép FLEGT; 6) Thanh tra, kiểm tra nội bộ và các cơ chế khiếu nại, phản hồi; 7) Đánh giá độc lập. Phụ lục này mô tả nội dung chính của các cấu phần nêu trên và nguyên tắc vận hành của VNTLAS trên thực tế. Các phụ lục khác của Hiệp định này và các phụ đính của Phụ lục V cũng cung cấp thông tin bổ sung về chức năng của hệ thống. Phụ lục này bao gồm các phụ đính sau:
  • Phụ đính 1A và 1B: Tạo lập, xác minh và phê duyệt bằng chứng hợp pháp cho Tổ chức và Hộ gia đình;
  • Phụ đính 2: Kiểm soát chuỗi cung ứng;
  • Phụ đính 3: Bản mẫu kê khai

2. Phạm vi áp dụng

2.1. Nguồn gốc gỗ

2.1.1. Các nguồn gốc gỗ được kiểm soát bởi VNTLAS

Các nguồn gốc gỗ được kiểm soát bởi VNTLAS bao gồm:
  • Gỗ rừng tự nhiên trong nước: là gỗ được khai thác chính, tận dụng, tận thu từ diện tích rừng tự nhiên trong nước theo quy định của pháp luật.
  • Gỗ rừng trồng tập trung trong nước: là gỗ được khai thác chính, tận thu, tận dụng từ rừng trồng phòng hộ và rừng trồng sản xuất tập trung trong nước, rừng trồng tập trung có diện tích tập trung từ 0,5 ha trở lên và có dải cây rừng có chiều rộng tối thiểu 20m với từ 3 hàng cây trở lên.
  • Gỗ vườn nhà, trang trại và cây phân tán: là gỗ được khai thác, tận dụng, tận thu từ cây ngoài diện tích được quy hoạch cho đất rừng và rừng trồng tập trung, bao gồm cây xung quanh nhà và vườn, ven đường, dọc bờ kênh, bờ mương, bờ ruộng, quanh đình, chùa.
  • Gỗ cao su trong nước: là gỗ được khai thác từ diện tích cao su trong nước trên đất nông nghiệp và đất lâm nghiệp.
  • Gỗ sau xử lý tịch thu: là tang vật của các vụ vi phạm hành chính và hình sự được các chủ thể có thẩm quyền (Cơ quan Chính phủ, cơ quan tiến hành tố tụng) quyết định tịch thu xung quỹ nhà nước và được xử lý bán đấu giá theo một trình tự, thủ tục luật định.
  • Gỗ nhập khẩu: là tất cả các loại gỗ, bao gồm cả gỗ cao su, được đưa vào lãnh thổ Việt Nam từ nước ngoài hoặc từ khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật. Trong VNTLAS, gỗ nhập khẩu được chia thành gỗ nguyên liệu và sản phẩm hỗn hợp, có yêu cầu khác nhau về tài liệu nhập khẩu để chứng minh tính hợp pháp. Gỗ nguyên liệu là gỗ tròn và gỗ xẻ thuộc các mã HS 4403, 4406 và 4407. Sản phẩm hỗn hợp là gỗ và các sản phẩm không thuộc các mã HS nêu trên nằm trong Chương 44 và 94.
Chi tiết việc xác minh các nguồn gỗ đi vào VNTLAS được quy định tại Mục 6.3.

2.1.2. Gỗ quá cảnh

Gỗ quá cảnh sẽ không thuộc phạm vi điều chỉnh của VNTLAS. “Sản phẩm gỗ quá cảnh” là bất kỳ sản phẩm gỗ nào có xuất xứ từ một nước thứ ba được đưa vào lãnh thổ Việt Nam dưới sự kiểm soát của hải quan và được đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam theo đúng nguyên trạng của sản phẩm đó tại nước xuất xứ. Gỗ quá cảnh tách biệt với gỗ thuộc phạm vi điều chỉnh của Hệ thống VNTLAS và chịu sự kiểm tra, giám sát của Hải quan từ khi nhập vào Việt Nam cho đến khi xuất ra khỏi Việt Nam chưa qua chế biến theo quy định của pháp luật Việt Nam. Gỗ quá cảnh không chịu sự xác minh tính hợp pháp theo quy định của Hệ thống VNTLAS và không được cấp phép FLEGT.

2.2. Phạm vi kiểm soát

Phạm vi kiểm soát của VNTLAS áp dụng đối với:
  • Tất cả nguồn gốc gỗ được liệt kê trong mục 2.1.1 của Phụ lục V;
  • Tất cả các loại sản phẩm gỗ được liệt kê trong Phụ lục I;
  • Tất cả các đối tượng (Tổ chức và Hộ gia đình) trong chuỗi cung ứng.
Tất cả các nguyên tắc, tiêu chí, chỉ số và bằng chứng trong định nghĩa gỗ hợp pháp (Tổ chức và Hộ gia đình) là một phần của VNTLAS. Sơ đồ 1 minh họa mối quan hệ giữa 7 cấu phần chính của VNTLAS. VNTLAS là hệ thống hiện hành áp dụng cho: (a) tất cả Tổ chức và Hộ gia đình; và (b) tất cả các thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa, gồm các cấu phần: (1) Định nghĩa gỗ hợp pháp, chi tiết tại Mục 3 của Phụ lục V và Phụ lục II. (2) Tạo lập, xác minh và phê duyệt bằng chứng tại tất cả các giai đoạn của chuỗi cung, chi tiết tại Mục 4 của Phụ lục V. (3) Hệ thống phân loại tổ chức và xác minh dựa trên rủi ro, chi tiết tại Mục 5 của Phụ lục V (4) Kiểm soát chuỗi cung ứng, chi tiết tại Mục 6, Mục 7 và Phụ đính 2 của Phụ lục V. (5) Cấp phép FLEGT, chi tiết tại Mục 8 của Phụ lục V và Phụ lục IV. (6) Thanh tra, kiểm tra nội bộ và các cơ chế khiếu nại, phản hồi, chi tiết tại Mục 9 của Phụ lục V. (7) Đánh giá độc lập, chi tiết tại Mục 10 của Phụ lục V và Phụ lục VI. Cấu phần (5) chỉ áp dụng cho gỗ xuất khẩu sang thị trường EU. Cấu phần (6) và (7) áp dụng cho tất cả các giai đoạn của chuỗi cung ứng (các cấu phần từ 1 đến 5):

2.2.1. Định nghĩa Tổ chức và Hộ gia đình

Tổ chức thuộc VNTLAS bao gồm các công ty lâm nghiệp, lâm trường, ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia vào bất kỳ giai đoạn nào của chuỗi cung ứng gỗ và có đăng ký kinh doanh. Hộ gia đình thuộc VNTLAS bao gồm các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn và các chủ thể không thuộc đối tượng là tổ chức nêu trên. Hộ kinh doanh sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên phải thành lập doanh nghiệp và được coi là tổ chức trong phạm vi áp dụng của VNTLAS.

2.2.2.  Định nghĩa cơ quan Chính phủ

Trong phạm vi của Hiệp định này, Cơ quan Chính phủ bao gồm một số bộ, ngành ở trung ương, cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh, huyện và UBND cấp xã có tham gia vào quá trình thực hiện VNTLAS, được xác định cụ thể trong Phụ đính 1A và 1B của Phụ lục V và được tóm tắt trong Bảng 1.

2.2.3. Định nghĩa Cơ quan xác minh và chủ thể xác minh

Trong bối cảnh của Hiệp định này, Cơ quan xác minh là cơ quan kiểm lâm các cấp, gồm Cục Kiểm lâm thuộc Tổng cục lâm nghiệp (VNFOREST), Bộ Nông nghiệp và PTNT; cơ quan kiểm lâm địa phương gồm Chi cục Kiểm lâm và Hạt kiểm lâm. Chủ thể xác minh là các cơ quan chính phủ, chính quyền địa phương, hoặc các cơ quan, đơn vị hoặc cá nhân khác theo quy định của pháp luật, có trách nhiệm tạo lập, xác minh và phê duyệt bằng chứng theo phạm vi chức năng đã được xác định trong Phụ đính 1A và 1B của Phụ lục V và được tóm tắt trong Bảng 1.

2.3. Hệ thống chứng chỉ tự nguyện và chứng chỉ quốc gia được Hệ thống VNTLAS công nhận

Chứng chỉ tự nguyện là chứng nhận được cấp bởi bên thứ ba được thị trường công nhận và không mang tính ràng buộc pháp lý. Chứng chỉ quốc gia là chứng nhận mang tính tự nguyện hoặc ràng buộc pháp lý dựa trên bộ tiêu chí đã được xác định theo sự đánh giá và giám sát của Chính phủ. Các loại chứng chỉ tự nguyện và chứng chỉ quốc gia được VNTLAS công nhận được xem xét là bằng chứng bổ sung cho việc xác minh gỗ nhập khẩu dựa trên rủi ro (như quy định tại mục 6.3.7). Gỗ nhập khẩu có giấy phép FLEGT hoặc CITES mặc nhiên được công nhận là hợp pháp như quy định tại Mục 6.3.7. Việt Nam sẽ xem xét các loại chứng chỉ tự nguyện và chứng chỉ quốc gia theo yêu cầu của Hệ thống VNTLAS và quyết định danh sách chứng chỉ và chia sẻ thông tin với Ủy ban thực thi chung (JIC). Việc đánh giá các loại chứng chỉ tự nguyện và chứng chỉ quốc gia sẽ được tiến hành theo phương pháp được JIC chấp thuận và phương pháp đánh giá sẽ được hoàn thành trước khi đánh giá tính sẵn sàng vận hành của VNTLAS (Phụ lục VII). Danh sách các chứng chỉ được Hệ thống VNTLAS công nhận sẽ được đánh giá lại, cập nhật và thông báo cho JIC trong quá trình thực hiện.

3. Định nghĩa gỗ hợp pháp

Định nghĩa gỗ hợp pháp (LD) là tập hợp những quy định của pháp luật áp dụng đối với gỗ tại Việt Nam theo quy định tại Phụ lục II của Hiệp định này. LD được xây dựng dựa trên luật pháp hiện hành và thông qua một quá trình tham vấn với các cơ quan Chính phủ, khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam. Sau khi Hiệp định này được phê chuẩn, Việt Nam sẽ thông báo cho EU bất cứ sự thay đổi về bằng chứng hoặc văn bản quy phạm pháp luật tham chiếu trong LD thông qua JIC và JIC sẽ xem xét mức độ thay đổi và tác động đến LD ít nhất hai năm một lần trong quá trình thực thi Hiệp định này theo quy định tại Phụ lục IX. Việt Nam sẽ công bố rộng rãi các văn bản pháp luật dẫn chiếu trong LD và những sửa đổi kèm theo, theo quy định tại Phụ lục VIII về Công bố thông tin.

3.1. Cấu trúc và nội dung định nghĩa gỗ hợp pháp

LD được xây dựng cho hai nhóm đối tượng: Tổ chức và Hộ gia đình vì: (i) sự khác nhau về quy định áp dụng cho cho hai nhóm đối tượng; (ii) sự khác nhau về quy mô đầu tư, phạm vi và tổ chức hoạt động của mỗi nhóm đối tượng; và (iii) nhằm đảm bảo sự tuân thủ LD của hai nhóm đối tượng này và làm cho VNTLAS được rõ ràng, cụ thể và có khả năng thực hiện. Sự khác nhau giữa LD cho Tổ chức và Hộ gia đình được mô tả trong phần giới thiệu của Phụ lục II. LD cho từng nhóm đối tượng gồm bảy nguyên tắc, mỗi nguyên tắc được thể hiện bởi các Tiêu chí, Chỉ số và Bằng chứng:
  • Nguyên tắc I: Khai thác gỗ trong nước tuân thủ các quy định về quyền sử dụng đất, sử dụng rừng, quản lý, môi trường và xã hội
  • Nguyên tắc II: Tuân thủ các quy định về xử lý gỗ tịch thu
  • Nguyên tắc III: Tuân thủ các quy định về nhập khẩu gỗ
  • Nguyên tắc IV: Tuân thủ các quy định về vận chuyển, mua bán gỗ
  • Nguyên tắc V: Tuân thủ các quy định về chế biến gỗ
  • Nguyên tắc VI: Tuân thủ các quy định về thủ tục hải quan cho xuất khẩu
  • Nguyên tắc VII: (Tổ chức): Tuân thủ các quy định về thuế và lao động.
  • Nguyên tắc VII: (Hộ gia đình): Tuân thủ các quy định về thuế
Tuân thủ LD là việc Tổ chức và Hộ gia đình cần phải tuân thủ tất cả các chỉ số quy định trong 7 nguyên tắc được kiểm tra, giám sát bởi Cơ quan xác minh và chủ thể xác minh được đề cập tại Mục 2.2.3 và Bảng 1. Việc tuân thủ chỉ số được đánh giá dựa trên các bằng chứng tương ứng được áp dụng. Một chỉ số được coi là tuân thủ khi tất cả các bằng chứng có liên quan phải được kiểm tra và phù hợp.

4. Tạo lập, xác minh và phê duyệt bằng chứng tại tất cả các giai đoạn của chuỗi cung ứng

4.1. Định nghĩa bằng chứng

Bằng chứng là một loại hình văn bản tham chiếu trong Phụ lục II, được sử dụng để chứng minh Tổ chức và Hộ gia đình tuân thủ pháp luật với từng chỉ số tương ứng. Để làm rõ phương pháp xác minh được áp dụng trong VNTLAS, bằng chứng được chia ra thành bằng chứng tĩnh và bằng chứng động, như được quy định tại Phụ lục II.

4.1.1. Bằng chứng tĩnh

Trong LD, bằng chứng tĩnh được sử dụng để xác minh việc tuân thủ pháp luật trong quá trình hình thành và hoạt động của Tổ chức và Hộ gia đình liên quan đến lĩnh vực khai thác, chế biến, vận chuyển và thương mại gỗ. Bằng chứng tĩnh: - Được tạo lập và phê duyệt một lần hoặc được gia hạn theo định kỳ. - Được các chủ thể xác minh thực hiện việc xác minh và phê duyệt đối với từng bằng chứng định kỳ theo quy định pháp luật. - Được sử dụng là một trong các tiêu chí để đánh giá phân loại tổ chức định kỳ. - Được cung cấp, nếu cần, để hỗ trợ đảm bảo tính chính xác của thông tin và tính hợp pháp của tất cả các nguồn gỗ trong nước. - Bao gồm nhưng không giới hạn các bằng chứng như đăng ký kinh doanh, quyền sử dụng đất rừng, các quy định về thuế, lao động và môi trường.

4.1.2. Bằng chứng động

Trong LD, bằng chứng động được sử dụng để xác minh việc tuân thủ pháp luật về nguồn gốc và lưu thông gỗ trong từng giai đoạn của chuỗi cung ứng. Bằng chứng động được Cơ quan xác minh và các chủ thể xác minh đánh giá thông qua quá trình kiểm soát thường xuyên và định kỳ trong chuỗi cung ứng gỗ và trong hệ thống phân loại tổ chức. Bằng chứng động:
  • Được tạo lập và phê duyệt để chứng minh sự tuân thủ pháp luật của các lô gỗ riêng lẻ;
  • Được cung cấp, nếu cần, để hỗ trợ thực hiện trách nhiệm giải trình và được sử dụng để xác minh tính hợp pháp của từng lô gỗ trong chuỗi cung ứng của VNTLAS;
  • Bao gồm nhưng không giới hạn các bằng chứng như bảng kê lâm sản, hóa đơn theo quy định của Bộ Tài chính đối với Tổ chức có trong Hồ sơ lâm sản tại mỗi điểm kiểm soát quan trọng của chuỗi cung ứng;
  • Được (i) xác minh và phê duyệt bởi Cơ quan xác minh và các chủ thể xác minh trên cơ sở định kỳ theo quy định áp dụng đối với từng bằng chứng và (ii) được đánh giá một cách hệ thống như là một phần của (a) hệ thống phân loại tổ chức, (b) kiểm soát chuỗi cung ứng và (c) xác minh xuất khẩu.
Bằng chứng tĩnh và bằng chứng động nêu trong Phụ lục II có thể được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế. Phụ lục II sẽ được cập nhật và bổ sung phù hợp theo quy định tại Điều 24 của Hiệp định này.

4.2. Tạo lập bằng chứng

Tạo lập bằng chứng là việc Tổ chức, Hộ gia đình hoặc các chủ thể xác minh chuẩn bị giấy tờ hoặc hồ sơ theo quy định của pháp luật Việt Nam như quy định tại Phụ lục II, Phụ đính 1A và 1B của Phụ lục V. Theo quy đinh pháp luật tại Phụ lục II, bằng chứng có thể được tạo lập bởi Tổ chức và Hộ gia đình tham gia vào chuỗi cung ứng hoặc bởi các chủ thể xác minh tại từng giai đoạn của chuỗi cung ứng. Các chủ thể chịu trách nhiệm tạo lập bằng chứng được xác định trong cột “Chuẩn bị bởi" của Phụ đính 1A và 1B của Phụ lục V.

4.3.  Xác minh và phê duyệt/xác nhận bằng chứng

Việc xác minh và phê duyệt bằng chứng được thực hiện như mô tả dưới đây. Xác minh bằng chứng là quá trình kiểm tra tính hợp pháp, hợp lệ và sự phù hợp của bằng chứng dựa trên kiểm tra hồ sơ và/hoặc kiểm tra thực tế bởi các chủ thể xác minh theo Định nghĩa gỗ hợp pháp được quy định tại Phụ lục II. Việc phê duyệt bằng chứng là việc công nhận tính tuân thủ của từng bằng chứng được thực hiện bởi các chủ thể xác minh theo quy định của pháp luật như được mô tả tại Phụ lục II và Phụ đính 1A và 1B của Phụ lục V. Việc xác nhận bằng chứng chỉ áp dụng đối với bảng kê lâm sản. Chủ thể chịu trách nhiệm xác minh và phê duyệt bằng chứng được xác định trong cột “Phê duyệt bởi/xác nhận bởi" của Phụ đính 1A và 1B của Phụ lục V. Chủ thể chịu trách nhiệm kiểm tra bằng chứng được xác định trong cột “Kiểm tra bởi" của Phụ đính 1A và 1 B của Phụ lục V.

4.4. Trách nhiệm của các bên liên quan

4.4.1. Trách nhiệm của Tổ chức

  • Chịu trách nhiệm về sự chính xác của thông tin và tính hợp pháp của tất cả các nguồn gỗ, kể cả nguồn gỗ nội địa. Đối với gỗ nhập khẩu, Tổ chức phải thực hiện trách nhiệm giải trình theo quy định tại Mục 6.3.7 của Phụ lục V.
  • Chịu trách nhiệm tạo lập, xác minh và phê duyệt bằng chứng hoặc đề nghị các chủ thể xác minh tạo lập, xác minh và phê duyệt bằng chứng cho mỗi giao dịch phù hợp với từng điểm của chuỗi cung;
  • Chịu trách nhiệm kiểm tra và lưu giữ bằng chứng về tính hợp pháp của gỗ được mua khi mua gỗ từ bất kỳ nguồn nào;
  • Kiểm tra tính xác thực và tính hợp lệ của hồ sơ gỗ và đối chiếu sự phù hợp giữa hồ sơ với lô gỗ thực tế để đảm bảo gỗ mua là hợp pháp. Trong trường hợp có nghi ngờ rủi ro về gỗ bất hợp pháp, Tổ chức sẽ không mua gỗ.
  • Đánh giá nhà cung ứng có kiểm tra và tài liệu hóa bằng chứng về tính hợp pháp của gỗ được mua hay không.
Việc thẩm định và xác minh phân loại Tổ chức trong Hệ thống phân loại tổ chức theo quy định tại Mục 5 của Phụ lục V sẽ đánh giá Tổ chức đó có kiểm tra và tài liệu hóa đầy đủ bằng chứng về tính hợp pháp của gỗ khi mua.

4.4.2. Trách nhiệm của Hộ gia đình

  • Chịu trách nhiệm về sự chính xác của thông tin và tính hợp pháp của tất cả các nguồn gỗ, kể cả nguồn gỗ nội địa. Đối với gỗ nhập khẩu, Hộ gia đình phải thực hiện trách nhiệm giải trình theo quy định tại Mục 6.3.7 của Phụ lục V;
  • Chịu trách nhiệm tạo lập, xác minh và phê duyệt bằng chứng hoặc đề nghị chủ thể xác minh tạo lập, xác minh và phê duyệt bằng chứng cho mỗi giao dịch phù hợp với từng điểm của chuỗi cung;
  • Chịu trách nhiệm kiểm tra và lưu giữ bằng chứng về tính hợp pháp của gỗ được mua khi mua gỗ từ bất kỳ nguồn nào;
  • Kiểm tra tính xác thực và tính hợp lệ của hồ sơ gỗ và đối chiếu sự phù hợp giữa hồ sơ với lô gỗ thực tế để đảm bảo gỗ mua là hợp pháp. Trong trường hợp có nghi ngờ rủi ro về gỗ bất hợp pháp, Hộ gia đình không mua gỗ.
  • Đánh giá nhà cung ứng có kiểm tra và tài liệu hóa bằng chứng về tính hợp pháp của gỗ được mua hay không.

4.4.3. Trách nhiệm của cơ quan Chính phủ

Trách nhiệm của cơ quan Chính phủ trong việc tạo lập, xác minh và phê duyệt bằng chứng được quy định tại Phụ đính 1A và 1B của Phụ lục V và được tóm tắt trong Bảng 1.

5. Hệ thống phân loại tổ cức và xác minh dựa trên rủi ro

5.1. Mục tiêu của hệ thống phân loại tổ chức

Hệ thống phân loại tổ chức (OCS) là một cấu phần không thể tách rời của phương pháp xác minh dựa trên rủi ro của VNTLAS. Mục đích của OCS là (i) đánh giá mức độ rủi ro của tất cả Tổ chức trong VNTLAS về việc tuân thủ các yêu cầu của VNTLAS nhằm thực hiện các biện pháp xác minh phù hợp hiệu quả và kịp thời (ii) đánh giá việc tuân thủ pháp luật của Tổ chức theo bằng chứng tĩnh và bằng chứng động như được mô tả trong LD; và (iii) giảm bớt thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh và khuyến khích Tổ chức tuân thủ pháp luật. OCS sẽ áp dụng đối với tất cả Tổ chức trong chuỗi cung ứng của VNTLAS.

5.2. Tiêu chí phân loại và nhóm rủi ro

Tổ chức được phân loại dựa trên các tiêu chí sau:
  1. i) Tuân thủ các bằng chứng động về kiểm soát chuỗi cung ứng nhằm đảm bảo rằng chỉ có gỗ hợp pháp đi vào chuỗi cung ứng (như được định nghĩa tại Mục 4.1);
  2. ii) Đáp ứng các yêu cầu về kê khai và báo cáo kiểm soát chuỗi cung ứng (như được mô tả tại Mục 6.5);
iii) Tuân thủ các bằng chứng tĩnh (như được định nghĩa tại Mục 4.1);
  1. iv) Tình trạng vi phạm (như được mô tả tại Mục 11);
Việt Nam sẽ cân nhắc việc tích hợp các cơ chế chứng chỉ tự nguyện, trách nhiệm giải trình và hệ thống chuỗi hành trình sản phẩm được VNTLAS công nhận vào OCS. Dựa vào các tiêu chí trên, Tổ chức được chia thành 02 nhóm rủi ro sau:
  • Nhóm 1 (Tuân thủ): Các Tổ chức đáp ứng đầy đủ các tiêu chí trên;
  • Nhóm 2 (Không tuân thủ): Các Tổ chức chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chí trên hoặc các Tổ chức mới thành lập.
Việc sử dụng các tiêu chí để phân loại nhóm rủi ro được trình bày trong Bảng 2.

5.3. Tổ chức thực hiện việc phân loại

OCS được vận hành một cách liên tục thông qua cơ chế tự đánh giá của Tổ chức, được thẩm định và xác minh bởi Chi cục Kiểm lâm tỉnh hoặc chủ thể khác được Chính phủ ủy quyền. Chính phủ Việt Nam sẽ ban hành văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn thực hiện VNTLAS, bao gồm cả nội dung về OCS. Các quy định, tiêu chí, trình tự, thủ tục, tần suất, phương pháp và trách nhiệm của các bên liên quan sẽ được xây dựng cụ thể trong hướng dẫn thực hiện VNTLAS. Trình tự, thủ tục, phương pháp và trách nhiệm đánh giá phân loại tổ chức được mô tả trong Sơ đồ 2. Tìm hiểu thêm thông tin đầy đủ về Phụ V tại đây

1. Mục đích và phạm vi của Đánh giá độc lập

Đánh giá độc lập được thực hiện theo quy định tại Điều 10 của Hiệp định này. Đánh giá độc lập được thực hiện bởi bên thứ ba, được gọi là Đơn vị đánh giá độc lập. Đơn vị đánh giá độc lập báo cáo cho Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) thông qua Ủy ban thực thi chung (JIC) theo quy định tại Phụ lục IX của Phụ lục này. Mục đích của Đánh giá độc lập là đánh giá việc thực hiện, tính hiệu quả và tính tin cậy của Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp của Việt Nam (VNTLAS) và cơ chế cấp phép FLEGT, theo quy định tại Phụ lục IV và Phụ lục V của Hiệp định này. Phạm vi Đánh giá độc lập bao gồm:
  1. i) Đối với việc xác minh trong Hệ thống VNTLAS, Đánh giá độc lập sẽ đánh giá:
  • Việc thực hiện, tính hiệu quả và tính tin cậy của Hệ thống VNTLAS theo các quy định pháp luật hiện hành và hướng dẫn thực hiện Hệ thống VNTLAS;
  • Việc kiểm soát chuỗi cung ứng và hệ thống quản lý dữ liệu trong Hệ thống VNTLAS;
  • Hệ thống OCS và xác minh dựa trên rủi ro;
  • Việc xác minh cho xuất khẩu theo quy định tại Phụ lục V của Hiệp định này.
  1. ii) Đối với cơ chế cấp phép FLEGT, Đánh giá độc lập sẽ:
  • Đánh giá việc thực hiện, tính hiệu quả và tính tin cậy của cơ chế cấp phép FLEGT theo quy định pháp luật hiện hành và hướng dẫn thực hiện Hệ thống VNTLAS, bao gồm cả hệ thống quản lý dữ liệu;
  • Cung cấp thông tin về tác động (định tính và định lượng) của cơ chế cấp phép FLEGT đối với thương mại gỗ, bao gồm cả việc tự do lưu thông các sản phẩm được cấp phép FLEGT tại thị trường EU, cụ thể bằng việc sử dụng các báo cáo Theo dõi Thị trường Độc lập (IMM) do Tổ chức Gỗ nhiệt đới quốc tế (ITTO) thực hiện;
  • Đánh giá sự phối hợp giữa Cơ quan cấp phép FLEGT của Việt Nam và Cơ quan thẩm quyền của các nước thành viên EU.
iii) Nhận diện, tài liệu hóa và báo cáo về bất kỳ sự không tuân thủ và các điểm yếu của Hệ thống VNTLAS và đề xuất các biện pháp cải thiện.
  1. iv) Đánh giá tính hiệu quả của việc thực hiện các biện pháp cải thiện do JIC quyết định đối với các trường hợp không tuân thủ và các điểm yếu của Hệ thống VNTLAS.
  2. v) Đánh giá phạm vi và tính chính xác của số liệu thống kê về hoạt động sản xuất và thương mại sản phẩm gỗ xuất khẩu sang thị trường EU.
  3. vi) Thực hiện các nghiên cứu khác do JIC yêu cầu để bổ sung thông tin cần thiết cho Đánh giá độc lập.

2. Chức năng, quyền hạn và phương pháp đánh giá của Đơn vị đánh giá độc lập

Phương pháp Đánh giá độc lập phải phù hợp với các thông lệ quốc tế tốt nhất phù hợp với ISO 19011, ISO 17021 hoặc tương đương. Phương pháp Đánh giá độc lập do JIC phê duyệt. Đơn vị đánh giá độc lập sẽ công bố công khai các tài liệu về quy trình triển khai đánh giá. Đánh giá độc lập sẽ được thực hiện theo phương pháp dựa trên bằng chứng. Tất cả các kết quả đánh giá và các phát hiện phải được chứng minh và được ghi  chép đầy đủ. Phương pháp đánh giá bao gồm việc xem xét, kiểm tra tài liệu liên quan, quy trình vận hành và ghi chép của các cơ quan có trách nhiệm thực hiện Hệ thống VNTLAS, bao gồm kiểm tra mẫu và kiểm tra điểm. Phương pháp đánh dựa trên thông tin từ các nguồn sau:
  • Kiểm tra hiện trường, bao gồm: việc kiểm tra tất cả các giai đoạn của chuỗi cung ứng; phỏng vấn; xem xét giấy tờ, tài liệu bằng giấy và điện tử của Cơ quan xác minh, Cơ quan cấp phép FLEGT, Tổ chức, Hộ gia đình và nhà cung cấp của họ; thông tin từ các chủ thể xác minh khác như được mô tả tại hai đoạn cuối của Mục này.
  • Thông tin và khiếu nại của các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình về sự vận hành của Hệ thống VNTLAS và cơ chế cấp phép FLEGT.
  • Phỏng vấn và báo cáo của Cơ quan thẩm quyền của các nước thành viên EU.
  • Thông tin từ các cơ sở dữ liệu của Hệ thống VNTLAS, bao gồm: (i) cơ sở dữ liệu về vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; (ii) cơ sở dữ liệu của Hệ thống OCS; (iii) cơ sở dữ liệu về cấp phép FLEGT; và (iv) kiểm soát chuỗi cung ứng và các kiểm tra liên quan.
  • Các báo cáo công khai về kết quả thanh tra, kiểm tra nội bộ liên quan đến việc thực hiện Hệ thống VNTLAS theo quy định pháp luật của Việt Nam.
  • Thông tin từ ấn phẩm của các tổ chức độc lập và các cơ quan truyền thông liên quan đến việc thực hiện Hệ thống VNTLAS.
  • Thông tin công bố theo quy định tại Phụ lục VIII của Hiệp định này.
  • Các nguồn thông tin khác do JIC đề xuất.
Đơn vị đánh giá độc lập sẽ xây dựng hệ thống tiếp nhận, tổng hợp và báo cáo các khiếu nại liên quan đến việc thực hiện Hệ thống VNTLAS và cơ chế cấp phép FLEGT. Hệ thống quản lý khiếu nại sẽ do JIC phê duyệt. Đơn vị đánh giá độc lập phải có cơ chế tiếp nhận và xử lý khiếu nại về các hoạt động đánh giá của chính Đơn vị. Trong cả hai trường hợp nêu trên, các khiếu nại và tố cáo bao gồm tố cáo nặc danh (không có họ tên, địa chỉ của người tố cáo) nhưng nội dung tố cáo rõ ràng và cung cấp bằng chứng cụ thể liên quan đến hành vi tham nhũng, hành vi vi phạm. Tất cả những người tố cáo có danh tính sẽ được bảo vệ. Những cơ chế này sẽ đảm bảo tính bảo mật trong việc tiếp nhận các khiếu nại và tố cáo. Quy trình đánh giá quy định cụ thể cách thức Đơn vị đánh giá độc lập ghi chép và sử dụng thông tin tiếp nhận từ các bên liên quan, đặc biệt là thông tin từ các tổ chức phi chính phủ, hiệp hội gỗ, doanh nghiệp, tổ chức công đoàn, cộng đồng địa phương và người dân sống gần rừng. Các Bên phải đảm bảo rằng Đơn vị đánh giá độc lập sẽ có quyền tiếp cận không giới hạn tới các nguồn số liệu và thông tin liên quan trong phạm vi nhiệm vụ và theo quy định của các Bên. Trên lãnh thổ Việt Nam, Đơn vị đánh giá độc lập được tiếp cận tới Cơ quan xác minh, theo quy định tại Mục 2.2.3 của Phụ lục V; Cơ quan cấp phép FLEGT, theo quy định tại Phụ lục IV; Tổ chức và Hộ gia đình, theo quy định tại Mục 2.2.1 của Phụ lục V trong chuỗi cung ứng với sự hỗ trợ của Cơ quan xác minh. Trường hợp Đơn vị đánh giá độc lập yêu cầu thông tin liên quan đến Hệ thống VNTLAS và cơ chế cấp phép FLEGT từ các cơ quan khác của Chính phủ hoặc các chủ thể xác minh khác của Việt Nam theo quy định tại Mục 2.2.2 và 2.2.3 của Phụ lục V thì Đơn vị đánh giá độc lập sẽ thông báo cho Cơ quan xác minh để hỗ trợ việc tiếp cận tới các cơ quan này.

3. Yêu cầu về năng lực

Đơn vị đánh giá độc lập phải có năng lực và khả năng về kiểm toán, đánh giá trong ngành lâm nghiệp. Đơn vị đánh giá độc lập phải đáp ứng các yêu cầu sau:
  • Không có xung đột lợi ích phát sinh từ bất kỳ mối quan hệ tổ chức hoặc thương mại theo quy định của ISO 17021, ISO 17065 hoặc tương đương.
  • Không tham gia trực tiếp vào lĩnh vực quản lý rừng, chế biến gỗ, thương mại gỗ hoặc tham gia vào quá trình xây dựng văn bản pháp luật trong ngành lâm nghiệp Việt Nam.
  • Có hệ thống kiểm soát chất lượng riêng theo quy định của ISO 17021, ISO 17065 hoặc tương đương.
  • Có kinh nghiệm về kiểm toán hệ thống quản lý chất lượng.
  • Có nhân sự được bổ nhiệm với chuyên môn và kinh nghiệm về kiểm toán và đánh giá trong lĩnh vực quản lý rừng, chế biến gỗ, nguồn gỗ, truy xuất và kiểm soát chuỗi cung ứng, xuất khẩu gỗ và kinh doanh quốc tế, bao gồm cả thị trường EU.
  • Có kinh nghiệm về kiểm toán và đánh giá tại Việt Nam hoặc tại các quốc gia chế biến gỗ khác sẽ là một lợi thế.
Đơn vị đánh giá độc lập là tổ chức có tư cách pháp nhân tại Việt Nam. Đơn vị đánh giá độc lập có thể là tổ chức có đăng ký hoạt động tại Việt Nam hoặc là tổ chức nước ngoài đã có đăng ký hoạt động. Trong trường hợp Đơn vị đánh giá độc lập được lựa chọn là một tổ chức nước ngoài thì Đơn vị đánh giá độc lập đó phải hợp tác với một đối tác Việt Nam và/hoặc có văn phòng đại diện tại Việt Nam trong thời gian thực hiện hợp đồng, hoạt động như một đầu mối liên lạc cho tất cả các bên.

4. Yêu cầu về báo cáo

Đơn vị đánh giá độc lập sẽ báo cáo cho JIC theo khuôn khổ và thời gian báo cáo do JIC xây dựng và thống nhất khi bắt đầu nhiệm vụ đánh giá. Khuôn khổ và thời gian báo cáo bao gồm:
  • Báo cáo khởi động;
  • Báo cáo đánh giá hàng năm (bao gồm báo cáo chính và báo cáo tóm tắt) thể hiện các kết quả và phát hiện chính của đánh giá độc lập.
Theo yêu cầu của JIC, Đơn vị đánh giá độc lập có thể phải chuẩn bị và trình bày cho JIC về kết quả đánh giá, cung cấp thông tin bổ sung nhằm chứng minh hoặc làm rõ kết quả đánh giá.

5. Tổ chức thực hiện

Đánh giá độc lập được thực hiện 6 tháng một lần trong năm đầu tiên thực hiện cấp phép FLEGT, sau đó là 12 tháng một lần cho hai năm tiếp theo. Sau ba năm đầu tiên, JIC sẽ đưa ra khuyến nghị về tần suất đánh giá trong những năm tiếp theo. Theo yêu cầu của JIC, Đánh giá độc lập bổ sung có thể được thực hiện cho nhiệm vụ cụ thể. Đơn vị đánh giá độc lập sẽ do Việt Nam chỉ định sau khi tham vấn với EU thông qua JIC. Việt Nam và EU sẽ thống nhất về kinh phí cho Đánh giá độc lập.

6. Bảo mật và công bố báo cáo

Đơn vị đánh giá độc lập có trách nhiệm bảo mật các thông tin và dữ liệu được thu thập từ các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình mà Đơn vị đánh giá độc lập đã liên hệ trong quá trình đánh giá. Đơn vị đánh giá độc lập không được công bố hoặc ban hành các kết quả hoặc báo cáo đánh giá trừ khi được JIC cho phép. JIC công bố báo cáo tóm tắt và biên bản cuộc họp của JIC về báo cáo của Đơn vị đánh giá độc lập. Tải Phụ lục VI tại đây

Mục đích của việc đánh giá

Hiệp định Đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) bao gồm việc xây dựng và thực thi Hệ thống VNTLAS nhằm đảm bảo tính hợp pháp của gỗ theo quy định tại Phụ lục V của Hiệp định này. Phụ lục này quy định các tiêu chí đánh giá tính sẵn sàng vận hành của Hệ thống VNTLAS theo quy định tại Điều 12 của Hiệp định này. Tất cả các cấu phần của Hệ thống VNTLAS sẽ được đánh giá độc lập về mặt kỹ thuật trước khi cơ chế cấp phép FLEGT cho gỗ xuất khẩu từ Việt Nam sang EU chính thức hoạt động. Điều khoản tham chiếu cho hoạt động đánh giá kỹ thuật độc lập sẽ được Việt Nam và EU thống nhất thông qua Ủy ban thực thi chung (JIC). Các tiêu chí đánh giá được quy định trong Phụ lục này là cơ sở xây dựng Điều khoản tham chiếu cho việc đánh giá. Việc đánh giá này nhằm mục đích:
  • Rà soát Hệ thống VNTLAS được quy định trong Hiệp định và cách thức vận hành hệ thống này;
  • Đánh giá tính sẵn sàng của Hệ thống VNTLAS khi vận hành, bao gồm việc đánh giá các biện pháp hỗ trợ cơ chế cấp phép FLEGT được thực hiện đầy đủ;
  • Đánh giá tính sẵn sàng thực hiện Hệ thống VNTLAS của các Tổ chức và Hộ gia đình trong chuỗi cung ứng;
  • Đánh giá năng lực của các chủ thể xác minh trong việc thực hiện xác minh, cấp phép và quản lý hệ thống thông tin, dữ liệu; và
  • Xem xét bất kỳ sự điều chỉnh nào đối với Hệ thống VNTLAS, được các bên thống nhất, sau khi Hiệp định được ký kết.

Phương pháp thực hiện đánh giá

Việc đánh giá Hệ thống VNTLAS sẽ được thực hiện theo từng bước, trong đó có kế hoạch khắc phục các điểm yếu và khoảng trống của Hệ thống VNTLAS được xác định trong quá trình đánh giá trước đó.

Các tiêu chí đánh giá

1. Phần 1: Định nghĩa gỗ hợp pháp

Gỗ được sản xuất hợp pháp được định nghĩa tại Khoản (j) Điều 2 của Hiệp định này. Định nghĩa gỗ được sản xuất hợp pháp (sau đây gọi là Định nghĩa) phải rõ ràng, có thể xác minh được một cách khách quan, có tính khả thi trên thực tế và tối thiểu phải dẫn chiếu các quy định pháp luật liên quan đến những lĩnh vực sau:
  • Quyền khai thác: Việc trao quyền hợp pháp để khai thác gỗ, bao gồm việc tuân thủ pháp luật và quy trình thủ tục về giao đất giao rừng, quyền sử dụng đất và sử dụng rừng.
  • Các hoạt động lâm nghiệp: Tuân thủ quy định pháp luật về quản lý rừng và chế biến gỗ, bao gồm việc tuân thủ quy định pháp luật về môi trường và lao động.
  • Thuế và các loại phí: Tuân thủ quy định pháp luật về thuế, các loại phí và lệ phí có liên quan trực tiếp đến hoạt động khai thác và thương mại gỗ.
  • Thương mại và hải quan: Tuân thủ quy định pháp luật về thương mại và thủ tục hải quan.

1.1. Các câu hỏi chính về pháp luật và các quy định:

1.1.1. Các quy định pháp luật trong Định nghĩa có rõ ràng không?

1.1.2. Các quy định pháp luật được xác định cho từng nguyên tắc, tiêu chí và chỉ số của Định nghĩa có rõ ràng không?

1.1.3. Các nguyên tắc, tiêu chí và chỉ số có thể được sử dụng để kiểm tra tính tuân thủ của từng thành tố của Định nghĩa có cụ thể không?

1.1.4.        Các bằng chứng được sử dụng để chứng minh tính tuân thủ của từng nguyên tắc và tiêu chí của Định nghĩa có dựa trên các văn bản pháp luật cụ thể không?

1.1.5. Các bằng chứng có rõ ràng, khách quan và khả thi không?

1.1.6. Vai trò và trách nhiệm của tất cả các bên liên quan và các chủ thể xác minh có được xác định rõ ràng cho từng bằng chứng không?

1.1.7. Định nghĩa có bao trùm nội dung chính của các quy định pháp luật hiện hành liên quan đến Hệ thống VNTLAS không? Nếu không, tại sao nội dung đó không được phản ánh trong Định nghĩa?

1.1.8. Nội dung chính của các quy định pháp luật liên quan có được xem xét trong quá trình tham vấn các bên liên quan trong việc xây dựng Định nghĩa không?

1.1.9. Những sửa đổi được đưa ra trong quá trình tham vấn các bên liên quan có được đưa vào Định nghĩa không?

1.1.10. Ma trận về tính hợp pháp có được sửa đổi sau khi ký kết Hiệp định không? Các bằng chứng có được xác định để đảm bảo việc chứng minh những sửa đổi này không?

1.2. Nếu Định nghĩa được sửa đổi sau khi ký kết Hiệp định, những câu hỏi bổ sung chính như sau:

1.2.1. Các bên liên quan có được tham vấn về việc sửa đổi không và khuyến nghị của họ có được xem xét không?

1.2.2. Các quy định pháp luật áp dụng cho từng thành tố mới của Định nghĩa có rõ ràng không? Các tiêu chí và chỉ số có thể được sử dụng để kiểm tra tính tuân thủ của từng thành tố trong Định nghĩa có cụ thể không? Các tiêu chí và chỉ số có rõ ràng, khách quan và khả thi không?

1.2.3. Các tiêu chí và chỉ số có được xác định để đảm bảo việc chứng minh những sửa đổi này không? Các bằng chứng có xác định rõ vai trò và trách nhiệm của các bên liên quan và các chủ thể xác minh không?

2. Phần 2: Kiểm soát chuỗi cung ứng

Hệ thống kiểm soát chuỗi cung ứng phải đảm bảo độ tin cậy để có khả năng truy xuất nguồn gốc của các sản phẩm gỗ trong suốt chuỗi cung ứng từ khâu khai thác hoặc nhập khẩu cho đến khâu xuất khẩu. Không phải lúc nào cũng cần tiến hành truy xuất nguồn gốc của lô gỗ hay sản phẩm gỗ từ điểm xuất khẩu ngược về khu rừng xuất xứ của chúng nhưng việc truy xuất là cần thiết từ điểm nhập khẩu hoặc khai thác cho đến điểm trộn lẫn đầu tiên (ví dụ, tại cơ sở chế biến).

2.1.   Quyền sử dụng gỗ

Có sự xác định rõ ràng các khu vực đã được giao quyền sử dụng rừng và xác định chủ sở hữu đối với các quyền này; và xác định rõ ràng quyền sử dụng đối với gỗ sau xử lý tịch thu. Các câu hỏi chính bao gồm:

2.1.1. Hệ thống kiểm soát chuỗi cung ứng có đảm bảo rằng chỉ có gỗ được khai thác từ khu rừng đã được giao đất theo quy định của Định nghĩa mới được phép tham gia vào chuỗi cung ứng không

2.1.2. Hệ thống kiểm soát chuỗi cung ứng có đảm bảo rằng gỗ tịch thu được phép đi vào chuỗi cung ứng sau khi được xử lý theo quy định không?

2.1.3.  Hệ thống kiểm soát chuỗi cung ứng có đảm bảo rằng các Tổ chức và Hộ gia đình khai thác gỗ đã được trao quyền sử dụng phù hợp đối với khu rừng đó không?

2.1.4. Thủ tục giao quyền sử dụng và thông tin về quyền sử dụng được giao cũng như thông tin về chủ sở hữu các quyền đó có được công khai không?

2.2.   Kiểm soát chuỗi cung ứng

Có các cơ chế và thủ tục hiệu quả để kiểm soát dòng chu chuyển gỗ và sản phẩm gỗ trong suốt chuỗi cung ứng từ điểm khai thác hoặc điểm nhập khẩu cho đến điểm bán cuối cùng tại Việt Nam hoặc điểm nhập khẩu. Các câu hỏi chính bao gồm:

2.2.1.   Mỗi điểm kiểm soát quan trọng trong chuỗi cung ứng có được xác định và mô tả trong Hệ thống VNTLAS không?

2.2.2.  Các biện pháp kiểm soát có quy định và được tài liệu hóa để (a) xác định nguồn gốc gỗ và (b) ngăn chặn việc trộn lẫn gỗ không có nguồn gốc hợp pháp vào chuỗi cung ứng không?

2.2.3.  Tổ chức nào có trách nhiệm kiểm soát các dòng chu chuyển gỗ? Các tổ chức này có đủ nhân lực và nguồn lực để thực hiện các biện pháp kiểm soát không?

2.2.4. Thông tin có được các Tổ chức, Hộ gia đình và Cơ quan Kiểm lâm lưu giữ tại từng điểm kiểm soát theo quy định tại Phụ đính 2 của Phụ lục V của Hiệp định này hay không?

2.2.5. Thông tin từ báo cáo tháng và quý của các Tổ chức có được thu thập và đối chiếu để cung cấp thông tin theo các yêu cầu tại các câu hỏi 2.3.4, 2.3.5, 3.4.5, 3.4.6 hay không?

2.3. Khối lượng

Có các cơ chế phù hợp và hiệu quả để đo đếm và ghi chép khối lượng gỗ hoặc sản phẩm gỗ tại mỗi giai đoạn của chuỗi cung ứng, bao gồm dự tính chính xác trước khai thác về khối lượng cây đứng tại từng điểm khai thác. Các câu hỏi chính bao gồm:

2.3.1. Hệ thống kiểm soát chuỗi cung ứng có thể cung cấp dữ liệu định lượng về đầu vào và đầu ra tại các điểm kiểm soát quan trọng của chuỗi cung ứng không?

2.3.2. Chức năng của các hệ thống thông tin để xác minh tính hợp pháp của chuỗi cung ứng có được xác định rõ ràng không?

2.3.3. Tổ chức nào chịu trách nhiệm nhập dữ liệu định lượng này vào hệ thống kiểm soát chuỗi cung ứng? Chất lượng của dữ liệu được kiểm soát như thế nào?

2.3.4. Dữ liệu định lượng có được ghi chép lại theo cách thức hợp lý để có thể đối chiếu với điểm kiểm soát trước và tiếp theo trong chuỗi cung ứng một cách kịp thời không?

2.3.5. Hệ thống kiểm soát chuỗi cung ứng có cho phép đối chiếu khối lượng gỗ theo tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn quốc tế, nếu phù hợp, hay không?

2.3.6. Nhân sự phụ trách hệ thống kiểm soát chuỗi cung ứng có được đào tạo phù hợp không?

2.3.7. Thông tin nào trong hệ thống kiểm soát chuỗi cung ứng được công bố? Các bên quan tâm có thể truy cập nguồn thông tin này như thế nào?

2.4. Gỗ và sản phẩm gỗ nhập khẩu

Có các quy định pháp luật, biện pháp và quy trình kiểm soát nhằm đảm bảo rằng các sản phẩm gỗ nhập khẩu tuân thủ quy định pháp luật của quốc gia khai thác. Các câu hỏi chính bao gồm:

2.4.1. Việc nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp được phản ánh như thế nào trong chuỗi cung ứng?

2.4.2. Việc truy xuất nguồn gốc gỗ và sản phẩm gỗ nhập khẩu được đảm bảo như thế nào? Gỗ và sản phẩm gỗ có thể được xác minh trong suốt chuỗi cung ứng không?

2.4.3. Trong trường hợp gỗ nhập khẩu được sử dụng, quốc gia khai thác có thể được xác định trên giấy phép FLEGT không, kể các các thành phần của chúng trong sản phẩm hỗn hợp?

2.4.4. Cần có bằng chứng gì để chứng minh gỗ và sản phẩm gỗ nhập khẩu được sản xuất hợp pháp tại quốc gia khai thác?

2.4.5. Bản kê khai nguồn gốc gỗ nhập khẩu có khả thi không? Bản kê khai có cho phép ghi chép việc thực hiện trách nhiệm giải trình của nhà nhập khẩu không, bao gồm các tài liệu về nguồn gốc tại quốc gia khai thác, phân tích rủi ro bất hợp pháp, và các biện pháp giảm thiểu tương ứng, nếu có?

2.4.6. Các quy trình thực hiện các tiêu chí phân loại rủi ro theo loài và theo vùng địa lý cho gỗ và sản phẩm gỗ nhập khẩu có khả thi không?

2.4.7. Hải quan và Cơ quan Kiểm lâm có được chuẩn bị cho việc thực hiện hiệu quả Bản kê khai không?

2.4.8. Hệ thống phân loại rủi ro trong Hệ thống VNTLAS để đánh giá tính hợp pháp của gỗ và sản phẩm gỗ nhập khẩu có khả thi và hiệu quả không?

2.4.9. Cơ chế điều phối giữa các chủ thể xác minh nhằm đảm bảo chỉ có gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp được nhập khẩu vào Việt Nam được thực hiện như thế nào? Các chủ thể xác minh có đủ nguồn lực không?

3. Phần 3: Xác minh

Hoạt động xác minh giúp kiểm tra đầy đủ đảm bảo tính hợp pháp của gỗ. Hoạt động xác minh phải có hiệu quả nhằm đảm bảo rằng bất kỳ hành vi không tuân thủ các quy định trong Phụ lục II từ khâu khai thác trong rừng cho đến các khâu tiếp theo trong chuỗi cung ứng sẽ được phát hiện và các biện pháp khắc phục được thực hiện kịp thời. Các câu hỏi chính bao gồm:

3.1. Các cơ quan xác minh

3.1.1. Chính phủ giao cho một hay nhiều cơ quan thực hiện nhiệm vụ xác minh? Thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan này có được xác định rõ ràng và công khai không?

3.1.2. Các chủ thể xác minh (bao gồm Cơ quan xác minh và các chủ thể xác minh khác) tham gia vào Hệ thống VNTLAS có đủ nguồn lực để thực hiện xác minh theo định nghĩa gỗ hợp pháp và có các hệ thống kiểm soát chuỗi cung ứng không?

3.1.3. Cơ quan Kiểm lâm các cấp có nguồn lực phù hợp để thực hiện xác minh tính hợp pháp của gỗ không?

3.1.4. Các chủ thể xác minh có hệ thống quản lý đáp ứng các yêu cầu sau đây không?

  • 3.1.4.1: Các chủ thể xác minh có thẩm quyền thực hiện kiểm tra hiện trường theo yêu cầu để đảm bảo tính hiệu quả và độ tin cậy của Hệ thống không?;
  • 3.1.4.2: Các chủ thể xác minh có đủ nguồn lực thực hiện kiểm tra hiện trường theo yêu cầu nhằm đảm bảo tính hiệu quả và độ tin cậy của hệ thống không?;
  • 3.1.4.3: Nhân sự có đầy đủ kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết đảm bảo việc xác minh có hiệu quả không?;
  • 3.1.4.4: Thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nội bộ có được tài liệu hóa không?;
  • 3.1.4.5: Có áp dụng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nội bộ không?;
  • 3.1.4.6: Thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nội bộ có đảm bảo hệ thống này thực hiện chức năng một cách đầy đủ không?;
  • 3.1.4.7: Có cơ chế kiểm soát xung đột lợi ích không?;
  • 3.1.4.8: Có đảm bảo tính minh bạch của hệ thống phù hợp với Hiệp định này không?;
  • 3.1.4.9: Hệ thống quản lý khiếu nại có thể được tiếp cận công khai không?;
  • 3.1.4.10: Các phương pháp xác minh có được xây dựng và áp dụng không?;
  • 3.1.4.11: Quyền hạn của các chủ thể xác minh có rõ ràng và được công bố rộng rãi không?.

3.2.   Xác minh căn cứ vào Định nghĩa gỗ hợp pháp

Cần có một Định nghĩa gỗ hợp pháp rõ ràng làm cơ sở xác định phạm vi cần xác minh. Phương pháp xác minh cần được tài liệu hóa và đảm bảo rằng quá trình xác minh có tính hệ thống, minh bạch, dựa trên bằng chứng, được tiến hành định kỳ và bao trùm tất cả các nội dung đã được xác định trong phạm vi của Định nghĩa gỗ hợp pháp. Các câu hỏi chính bao gồm:

3.2.1. Phương pháp xác minh có bao trùm tất cả các yêu cầu trong Định nghĩa không, bao gồm việc kiểm tra tuân thủ tất cả các chỉ số?

3.2.2. Hoạt động xác minh có bao gồm việc kiểm tra các tài liệu, ghi chép và kiểm tra các hoạt động trên hiện trường (bao gồm kiểm tra đột xuất) không?

3.2.3. Hệ thống OCS có hoạt động như dự kiến không?

3.2.4. Hoạt động xác minh có bao gồm các yêu cầu sau không?

  • 3.2.4.1: Phương pháp tiếp cận dựa trên rủi ro có được tài liệu hóa thông qua quy trình, thủ tục toàn diện và khả thi không?;
  • 3.2.4.2: Phương pháp tiếp cận dựa trên rủi ro có đóng góp hiệu quả vào việc xác minh căn cứ vào Định nghĩa gỗ hợp pháp không?;
  • 3.2.4.3: Thông tin liên quan và đáng tin cậy từ các bên liên quan có được thu thập cho mục đích xác minh không?;
  • 3.2.4.4: Các ghi chép về hoạt động xác minh có được lưu giữ dưới dạng phù hợp cho phép cơ quan thanh tra, kiểm tra nội bộ và Đơn vị đánh giá độc lập sử dụng để giám sát không?;
  • 3.2.4.5: Chức năng của hệ thống thông tin về xác minh căn cứ vào Định nghĩa gỗ hợp pháp có được xác định rõ ràng không?;
  • 3.2.4.6: Các kết quả xác minh có được công bố công khai không?;
  • 3.2.4.7: Các bên quan tâm có tiếp cận được thông tin liên quan đến kết quả xác minh không?.

3.3. Công nhận các cơ chế chứng chỉ tự nguyện, hệ thống trách nhiệm giải trình tự nguyện và cơ chế chứng chỉ quốc gia

Ủy ban thực thi chung quy định các thủ tục nhằm công nhận các cơ chế chứng chỉ tự nguyện và cơ chế chứng chỉ quốc gia. Các thủ tục, quy định công nhận tạo thành cơ sở cho một bằng chứng bổ sung cho việc xác minh dựa trên rủi ro gỗ nhập khẩu và cùng với hệ thống trách nhiệm giải trình tự nguyện có thể được Việt Nam xem xét là một tiêu chí trong Hệ thống OCS. Các câu hỏi chính bao gồm:

3.3.1.  Có các quy trình, thủ tục công nhận cơ chế chứng chỉ tự nguyện, hệ thống trách nhiệm giải trình tự nguyện và cơ chế chứng chỉ quốc gia không? Các thủ tục, quy định này có được công bố công khai không?

3.3.2. Có cơ chế hoặc hệ thống nào chưa được công nhận không? Cách thức công nhận các cơ chế và hệ thống chứng chỉ mà được xem xét khi xác minh gỗ nhập khẩu, và trong Hệ thống OCS, có góp phần đảm bảo tính hợp pháp của gỗ không?

3.4. Xác minh hệ thống kiểm soát chuỗi cung ứng

Cần xác định rõ phạm vi cần phải xác minh bao gồm toàn bộ chuỗi cung ứng từ khâu khai thác hoặc nhập khẩu cho đến khâu tiêu thụ cuối cùng tại thị trường Việt Nam hoặc xuất khẩu, kể cả gỗ sau xử lý tịch thu. Phương pháp xác minh được tài liệu hóa và đảm bảo rằng quá trình này phải mang tính hệ thống, dựa trên bằng chứng, được tiến hành định kỳ và bao trùm tất cả nội dung trong phạm vi đã được xác định, bao gồm việc đối chiếu thường xuyên và kịp thời các số liệu giữa các giai đoạn trong chuỗi cung ứng. Các câu hỏi chính bao gồm:

3.4.1. Chức năng của các chủ thể xác minh có được xác định và thực hiện rõ ràng không?

3.4.2. Phương pháp xác minh có bao trùm toàn bộ nội dung cần thiết để kiểm soát chuỗi cung ứng không? Điều này có được nêu rõ trong phương pháp xác minh không? Có các công cụ khác bổ sung để hỗ trợ kiểm soát chuỗi cung ứng không?

3.4.3. Có bằng chứng nào chứng minh việc xác minh kiểm soát chuỗi cung ứng không?

3.4.4. Tổ chức nào chịu trách nhiệm về quản lý dữ liệu xác minh? Tổ chức đó có nhân lực và nguồn lực phù hợp để thực hiện các hoạt động quản lý dữ liệu không?

3.4.5. Có phương pháp đánh giá đối chiếu giữa khối lượng cây đứng/gỗ nhập khẩu và khối lượng gỗ đi vào cơ sở chế biến/điểm tiêu thụ cuối cùng tại thị trường Việt Nam hoặc điểm xuất khẩu không?

3.4.6. Có phương pháp đánh giá sự phù hợp giữa nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra tại xưởng cưa hoặc nhà máy không?

3.4.7. Có phương pháp nào đảm bảo tính nhất quá giữa việc đánh dấu và đánh số sản phẩm gỗ không?

3.4.8. Việc xác minh truy xuất nguồn gốc được thực hiện theo từng sản phẩm hay theo từng lô hàng trong toàn bộ chuỗi cung ứng?

3.4.9. Các Tổ chức và Hộ gia đình có xác định được tính hợp pháp, hợp lệ và phù hợp giữa hồ sơ gỗ và gỗ khi giao dịch nhằm đảm bảo nguồn gốc hợp pháp của các sản phẩm gỗ tại Việt Nam?

3.4.10. Phương pháp xác minh dựa trên rủi ro để thực hiện Hệ thống VNTLAS có đóng góp hiệu quả vào việc kiểm soát chuỗi cung ứng không?

3.4.11. Hệ thống thông tin và công nghệ nào được áp dụng để lưu trữ, xác minh và ghi chép dữ liệu? Có hệ thống nào sẵn có cho việc đảm bảo dữ liệu không?

3.4.12. Các kết quả xác minh về kiểm soát chuỗi cung ứng có được công bố không? Các bên quan tâm có thể truy cập nguồn thông tin này như thế nào?

3.5. Không tuân thủ

Có cơ chế phù hợp và hiểu quả để yêu cầu và cưỡng chế thực hiện các biện pháp khắc phục phù hợp trong trường hợp phát hiện các hành vi không tuân thủ. Các câu hỏi chính bao gồm:

3.5.1. Hệ thống xác minh hoặc các hệ thống khác có xác định được các yêu cầu trên không?

3.5.2. Có các tài liệu sẵn có ghi rõ việc xử lý các trường hợp không tuân thủ và ảnh hưởng của chúng đối với việc cấp phép FLEGT không?

3.5.3. Hệ thống xác minh có thể xác định các trường hợp không tuân thủ một cách đầy đủ không?

3.5.4. Có các cơ chế xử lý các trường hợp không tuân thủ không, bao gồm cả cơ sở dữ liệu về vi phạm?

3.5.5. Các vi phạm được theo dõi trong quá trình đánh giá Hệ thống OCS có được ghi chép vào cơ sở dữ liệu về vi phạm không?

3.5.6. Hệ thống có cho phép ghi chép đầy đủ thông tin về các hành vi không tuân thủ bị phát hiện cũng như về các biện pháp khắc phục không? Tính hiệu quả của các biện pháp khắc phục sẽ được đánh giá như thế nào?

3.5.7. Cơ sở dữ liệu về vi phạm có được xem xét trong quá trình xác minh cho xuất khẩu không? Thông tin trong cơ sở dữ liệu về vi phạm có được cung cấp cho quá trình xác minh cho xuất khẩu không?

3.5.8. Có tiến hành kiểm tra thực tế các sản phẩm gỗ xuất khẩu theo tỷ lệ mẫu thống nhất không?

3.5.9. Thông tin nào liên quan đến các hành vi không tuân thủ có thể được công khai?

3.5.10. Các chế tài xử phạt đối với các hành vi không tuân thủ có hợp lý, đầy đủ và mang tính răn đe không?

4. Phần 4: Cấp phép

Chính phủ Việt Nam sẽ giao cho Cơ quan cấp phép chịu toàn bộ trách nhiệm về việc cấp phép FLEGT. Giấy phép FLEGT sẽ được cấp cho từng lô hàng xuất khẩu. Các câu hỏi chinh bao gồm:

4.1. Cơ quan cấp phép

4.1.1. Cơ quan nào được giao trách nhiệm cấp phép FLEGT?

4.1.2. Vai trò của Cơ quan cấp phép và nhân sự của Cơ quan cấp phép có được xác định rõ ràng và công khai không?

4.1.3. Các yêu cầu về thẩm quyền và việc xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ đối với nhân sự thực hiện chức năng cấp phép của Cơ quan cấp phép có được xác định rõ ràng không?

4.1.4. Cơ quan cấp phép có đủ nguồn lực và hệ thống để thực hiện nhiệm vụ này không?

4.2. Thủ tục cấp phép

4.2.1. Cơ quan cấp phép có ban hành quy trình, thủ tục cấp phép không? Các quy trình, thủ tục này, bao gồm lệ phí phải trả, có được công khai không?

4.2.2. Chức năng và vai trò của cơ sở dữ liệu về cấp phép đối với quá trình cấp phép FLEGT có được xác định rõ ràng không?

4.2.3. Bằng chứng nào chứng minh thủ tục cấp phép được thực hiện đúng?

4.2.4. Hồ sơ đầy đủ về những trường hợp được cấp phép và bị từ chối có được lưu trữ không? Những hồ sơ này có nêu rõ bằng chứng nào được sử dụng làm cơ sở cho việc cấp phép không?

4.3. Cấp phép theo lô hàng

4.3.1. Tính hợp pháp của lô hàng xuất khẩu có được đảm bảo thông qua hệ thống kiểm soát chuỗi cung ứng của Chính phủ không?

4.3.2. Những yêu cầu cho việc cấp phép có được xác định rõ ràng và được thông báo cho Tổ chức, cá nhân, Hộ gia đình xuất khẩu và các bên liên quan không?

4.3.3. Thông tin nào về giấy phép đã cấp được công khai?

4.4. Thắc mắc, chất vấn về giấy phép FLEGT được cấp

Có cơ chế phù hợp để giải quyết các thắc mắc, chất vấn liên quan đến giấy phép FLEGT từ Cơ quan thẩm quyền của EU theo quy định tại Phụ lục III của Hiệp định này. Các câu hỏi chính bao gồm:

4.4.1. Cơ quan thẩm quyền của các nước thành viên EU có thể nhận được các giải trình về giấy phép FLEGT đã được cấp của Việt Nam không?

4.4.2. Cơ chế trao đổi thông tin giữa Cơ quan thẩm quyền của các nước thành viên EU và Cơ quan cấp phép có được xây dựng không?

4.4.3. Các bên liên quan khác trong nước và quốc tế chất vấn về giấy phép FLEGT đã được cấp qua kênh nào?

5. Phần 5: Đánh giá độc lập

Đánh giá độc lập là chức năng nằm ngoài chức năng của các cơ quan quản lý về ngành lâm nghiệp của Việt Nam. Đánh giá độc lập được tiến hành nhằm đảm bảo chức năng và tính tin cậy của cơ chế cấp phép FLEGT thông qua việc kiểm tra tất cả các khía cạnh của Hệ thống VNTLAS. Các câu hỏi chính bao gồm:

5.1. Tổ chức thực hiện

Đơn vị đánh giá độc lập được thành lập theo các yêu cầu sau:

5.1.1. Chỉ định: Việt Nam đã chính thức tuyển dụng hoặc đang trong quá trình tuyển dụng Đơn vị đánh giá độc lập không? Đơn vị đánh giá độc lập có được chỉ định thông qua cơ chế minh bạch và các quy định chỉ định có rõ ràng và được công khai không?

5.1.2. Tính độc lập của Đơn vị đánh giá: Có sự tách biệt rõ ràng giữa các tổ chức, cá nhân tham gia vào quản lý và kiểm soát tài nguyên rừng và các tổ chức, cá nhân thực hiện đánh giá độc lập nhằm tránh xung đột lợi ích không?

5.1.3. Năng lực: Đơn vị đánh giá độc lập có được yêu cầu phải hoạt động theo hệ thống kiểm soát chất lượng phù hợp không? Có phương pháp được thống nhất để thực hiện đánh giá độc lập không?

5.1.4. Thiết lập cơ chế giải quyết khiếu nại: Đơn vị đánh giá độc lập có được  yêu phải có một cơ chế tiếp nhận và xử lý khiếu nại liên quan đến các hoạt động đánh giá của Đơn vị không?

6. Phần 6: Cơ chế giải quyết khiếu nại

Có cơ chế phù hợp để giải quyết các khiếu nại và tranh chấp phát sinh từ việc thực hiện Hệ thống VNTLAS. Cơ chế này cho phép giải quyết bất kỳ khiếu nại nào liên quan đến việc vận hành Hệ thống VNTLAS. Các câu hỏi chính bao gồm:

6.1.1. Có thủ tục, quy định nào đã được tài liệu hóa về xử lý khiếu nại được công bố cho các bên liên quan không?

6.1.2. Quy trình tiếp nhận, lưu trữ, chuyển cấp thẩm quyền giải quyết và phản hồi các khiếu nại có rõ ràng không?

Tải xuống Phụ lục VII tại đây

1. Giới thiệu

Các Bên cam kết đảm bảo những thông tin chính liên quan đến ngành lâm nghiệp được sẵn sàng để công bố. Để đạt được mục tiêu đó, Phụ lục này quy định: thông tin cụ thể liên quan đến ngành lâm nghiệp sẽ được công bố; các cơ quan chịu trách nhiệm công bố; và cơ chế tiếp cận thông tin. Việc công bố thông tin nhằm đảm bảo: (i) sự vận hành của Ủy ban thực thi chung (JIC) trong thời gian thực thi Hiệp định là minh bạch và rõ ràng; (ii) có cơ chế được thiết lập cho hai Bên và cho các bên liên quan khác tiếp cận những thông tin chính liên quan đến ngành lâm nghiệp; (iii) hoạt động của Hệ thống VNTLAS được tăng cường thông qua đánh giá độc lập dựa vào thông tin sẵn có; và (iv) đạt được những mục tiêu chung của Hiệp định. Việc công bố thông tin và cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các bên liên quan tiếp cận thông tin góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả quản trị rừng của Việt Nam.

2. Thông tin do Việt Nam công bố

2.1. Thông tin về luật pháp

  • Toàn văn Hiệp định và các Phụ lục của Hiệp định và bất kỳ thay đổi, bổ sung sau đó.
  • Các văn bản pháp luật liên quan được dẫn chiếu trong Phụ lục II và Phụ lục V và các văn bản sửa đổi, bổ sung sau đó.
  • Các Công ước quốc tế và các hiệp định mà Chính phủ Việt Nam đã ký kết và phê chuẩn liên quan đến Hiệp định này.

2.2.   Thông tin về quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp và giao đất lâm nghiệp

  • Dữ liệu và bản đồ quy hoạch ba loại rừng (đặc dụng, phòng hộ và sản xuất) cấp tỉnh và toàn quốc.
  • Kế hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh và các loại bản đồ (bản cứng).
  • Dữ liệu định kỳ về giao đất lâm nghiệp, cho thuê rừng và diện tích đất lâm nghiệp được giao cùng với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
  • Theo yêu cầu, và tuân theo quy trình không phân biệt đối xử và không tăng gánh nặng về thủ tục hành chính nhằm đáp ứng yêu cầu này, thông tin liên quan đến giấy chứng nhận giao đất lâm nghiệp và hợp đồng cho thuê rừng sẵn có tại các cơ quan địa phương có thẩm quyền.
  • Dữ liệu về diện tích đất lâm nghiệp được chuyển đổi mục đích sử dụng, bao gồm vị trí và các chính sách về thay thế rừng.
Diện tích đất rừng theo các hợp đồng khoán bảo vệ rừng.

2.3. Thông tin về quản lý rừng

  • Dữ liệu về diễn biến rừng cấp tỉnh và toàn quốc hàng năm (rừng tự nhiên và rừng trồng) và số lượng cây trồng phân tán.
  • Danh sách và vị trí các khu rừng được các tổ chức quốc tế cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững.
  • Kế hoạch quản lý rừng bền vững được phê duyệt.
  • Quyết định và Báo cáo đánh giá tác động môi trường do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt đối với các dự án lâm nghiệp.
  • Ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án tác động tới tài nguyên rừng.

2.4. Thông tin về sản xuất gỗ trong nước

  • Số liệu về giá trị và tăng trưởng sản xuất gỗ.
  • Số liệu về khối lượng gỗ khai thác (từ rừng trồng, cây trồng phân tán, thanh lý gỗ rừng cao su, nếu có, và khai thác tận thu, tận dụng).

2.5. Thông tin về cơ sở dữ liệu vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng và vi phạm trong thương mại gỗ

  • Số liệu định kỳ về số lượng vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng cấp huyện, tỉnh và toàn quốc liên quan tới: chặt phá rừng; khai thác lâm sản trái phép; vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng; vi phạm các quy định về sử dụng đất lâm nghiệp; buôn bán và vận chuyển lâm sản trái phép; và vi phạm các quy định về chế biến lâm sản.
  • Số liệu định kỳ về số lượng các vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển cấp huyện, tỉnh và toàn quốc và kết quả xử lý vi phạm bao gồm xử phạt hành chính và hình sự.
  • Thông tin định kỳ về các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân, loại hình vi phạm và địa phương vi phạm.
  • Số liệu định kỳ về số lượng và chủng loại gỗ tịch thu và sau đấu giá.

2.6. Thông tin về chế biến

  • Số lượng và danh sách các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ được đăng ký chính thức, theo vị trí địa lý (vùng) và loại hình doanh nghiệp (doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài).
  • Danh sách các doanh nghiệp/công ty chế biến và xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã có chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm và/hoặc chứng nhận quản lý rừng bền vững.
  • Danh sách Tổ chức được cập nhật định kỳ theo từng nhóm rủi ro từ Hệ thống OCS theo quy định tại Mục 5 của Phụ lục V của Hiệp định này.

2.7. Thông tin về đầu tư và doanh thu

  • Số liệu hàng năm về doanh thu của ngành lâm nghiệp.
  • Số liệu hàng năm về chi trả dịch vụ môi trường.
  • Số liệu hàng năm về đầu tư từ ngân sách nhà nước cho Kế hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng.
  • Giá đất hàng năm theo quy định của Ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương.

2.8. Thông tin về thương mại

  • Số liệu hàng năm về giá trị xuất, nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ theo mã HS, theo nước xuất xứ và nhập khẩu, bao gồm thông tin về gỗ quá cảnh.
  • Thông tin về xuất, nhập khẩu các loài gỗ có giấy phép CITES.

2.9. Thông tin về Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp

  • Các quy định và quy trình hướng dẫn thực hiện các cấu phần của VNTLAS và các hướng dẫn, phương pháp thực hiện liên quan.
  • Các quy định và quy trình hướng dẫn cấp phép, thu hồi và quản lý giấy phép FLEGT.
  • Danh sách và địa chỉ liên hệ của Cơ quan cấp phép FLEGT của Việt Nam và các chi nhánh.
  • Danh sách các Biên bản ghi nhớ và hiệp định song phương giữa Việt Nam và các quốc gia khác về lâm nghiệp, thương mại và tính hợp pháp của gỗ.
  • Các Biên bản ghi nhớ và hiện định song phương giữa Việt Nam và các quốc gia khác về lâm nghiệp, thương mại và tính hợp pháp của gỗ nếu không trái với quy định về bảo mật của các Biên bản ghi nhớ và hiệp định này.
  • Tên và địa chỉ liên hệ của Đơn vị đánh giá độc lập được lựa chọn.
  • Báo cáo thanh tra, kiểm tra nội bộ được công khai liên quan đến việc thực hiện Hệ thống VNTLAS theo quy định pháp luật Việt Nam.

3. Thông tin do EU công bố

  • Toàn văn Hiệp định và các Phụ lục của Hiệp định và các sửa đổi, bổ sung sau đó.
  • Số lượng giấy phép FLEGT từ Việt Nam được Cơ quan thẩm quyền của các nước thành viên EU chấp nhận.
  • Khối lượng và giá trị gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu từ Việt Nam sang EU hàng năm.
  • Tổng khối lượng và giá trị gỗ và sản phẩm gỗ theo quốc gia, có và không có giấy phép FLEGT, được nhập khẩu vào EU.
  • Tất cả Báo cáo giám sát thị trường độc lập hiện có.
  • Các quy định cập nhật của EU liên quan đến thương mại gỗ, thông tin về hỗ trợ kỹ thuật và tài chính liên quan đến việc thực thi Hiệp định tại Việt Nam.
  • Danh sách và địa chỉ liên hệ của Cơ quan thẩm quyền của các nước thành viên EU chịu trách nhiệm về FLEGT và Quy chế gỗ của EU.

4. Thông tin do JIC công bố

4.1. Biên bản các cuộc họp của JIC và tóm tắt các quyết định của JIC 4.2Báo cáo hàng năm của JIC, bao gồm các nội dung sau:

  • Số lượng giấy phép FLEGT được cơ quan thẩm quyền Việt Nam cấp.
  • Số lượng hồ sơ đề nghị cấp phép FLEGT bị từ chối.
  • Khối lượng và giá trị gỗ và sản phẩm gỗ hàng năm được xuất khẩu từ Việt Nam vào EU có giấy phép FLEGT, theo mã HS và theo từng quốc gia thành viên EU nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
  • Tiến độ đạt được các mục tiêu của Hiệp định và các vấn đề liên quan đến việc thực thi Hiệp định.
  • Khối lượng gỗ và sản phẩm gỗ nhập khẩu vào Việt Nam.
  • Các biện pháp được thực hiện nhằm ngăn chặn việc nhập khẩu sản phẩm gỗ bất hợp pháp vào Việt Nam để duy trì tính toàn vẹn của cơ chế cấp phép FLEGT.
  • Các trường hợp không tuân thủ cơ chế cấp phép FLEGT và các biện pháp xử lý các trường hợp này.
  • Khối lượng gỗ và sản phẩm gỗ của quốc gia xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào EU có giấy phép FLEGT, theo mã HS và theo từng quốc gia thành viên EU nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
  • Số lượng giấy phép FLEGT từ Việt Nam được EU chấp nhận.
  • Thông tin về các trường hợp và khối lượng sản phẩm gỗ cần sự giải trình và làm rõ của Cơ quan cấp phép FLEGT của Việt Nam với Cơ quan thẩm quyền của các nước thành viên EU.
  • JIC sẽ đánh giá và báo cáo về nhu cầu nâng cao năng lực và việc sử dụng thông tin công bố nhằm mục đích thực hiện Phụ lục này.

4.2. Thông tin về Đánh giá độc lập

  • Điều khoản tham chiếu cho Đánh giá độc lập.
  • Các quy trình, thủ tục được tài liệu hóa của Đơn vị đánh giá độc lập khi thực hiện đánh giá.
  • Báo cáo tóm tắt của Đánh giá độc lập.

4.3. Quy trình, thủ tục vận hành JIC

4.4. Tổng quan về các hoạt động đã được tiến hành để thực thi Hiệp định

5. Cơ chế và phương thức tiếp cận thông tin

Phụ lục này tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam về công bố và cung cấp thông tin được quy định tại: Quyết định số 25/2013/QĐ/TTg ngày 4/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về Qui chế Phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ qui định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước; Pháp lệnh số 30/2000/UBTVQH ngày 28/12/2000 và các văn bản hướng dẫn về Bảo vệ bí mật nhà nước; Luật số 17/2008/QH12 về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật số 14/2012/QH13 về phổ biến và giáo dục pháp luật; và các văn bản sửa đổi, bổ sung sau đó. Các thông tin đề cập ở trên được công bố:
  • Trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ Việt Nam, cổng thông tin điện tử của các tỉnh, trang mạng của Tổng cục Lâm nghiệp, Cục Kiểm Lâm, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thống kê, Tổng cục Thuế, trang mạng của các hiệp hội gỗ và trang mạng của EU.
  • Tại Tổng cục Lâm nghiệp và Phái đoàn EU tại Việt Nam, các Cơ quan chịu trách nhiệm theo dõi Hiệp định.
  • Tại các cuộc họp báo của hai Bên.
  • Thông qua tờ rơi, bản tin, ấn phẩm truyền thông của hai Bên.

6. Thực hiện công bố thông tin

Việt Nam và EU sẽ chỉ định cơ quan đầu mối và xây dựng hướng dẫn chi tiết để thực hiện Phụ lục này. Tải xuống Phụ lục VIII tại đây
Ủy ban Thực thi Chung (JIC) là cơ quan được thành lập theo Điều 18 của Hiệp định. JIC sẽ được các Bên thành lập trong vòng ba tháng kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực theo Điều 25 của Hiệp định. JIC thực hiện chức năng và nhiệm vụ cụ thể liên quan đến quản lý, giám sát và đánh giá việc thực thi Hiệp định, bao gồm việc quản lý đánh giá độc lập.

1.      Quản lý Hiệp định

  • Tiến hành đánh giá độc lập về tính sẵn sàng vận hành của Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp của Việt Nam (VNTLAS) dựa trên các tiêu chí được quy định tại Phụ lục VII. Việc đánh giá này sẽ xác định liệu Hệ thống VNTLAS làm cơ sởcho cơ chế cấp phép FLEGT như mô tả trong Phụ lục V đáp ứng đầy đủ các chức năng của nó.
  • Tiếp nhận thông báo của các Bên về thời điểm đã hoàn thành việc chuẩn bị cần thiết để vận hành cơ chế cấp phép FLEGT và dựa trên cơ sở đánh giá độc lập nêu trên đề xuất thời điểm bắt đầu cơ chế cấp phép FLEGT để hai Bên phê duyệt theo quy định tại Điều 12 của Hiệp định.
  • Thúc đẩy đối thoại và trao đổi thông tin giữa các Bên về tiến độ thực thi Hiệp định và xem xét bất kỳ vấn đề nào do một trong hai Bên đưa ra và xác định các bước giải quyết cần thiết tiếp theo.
  • Tiếp nhận thông báo từ một trong hai Bên nếu có nghi ngờ hoặc phát hiện bằng chứng về bất kỳ sự gian lận hoặc bất thường trong việc thực hiện cơ chế cấp phép FLEGT và xác định các bước giải quyết cần thiết tiếp theo phù hợp với Điều 11 của Hiệp định này.
  • Nỗ lực giải quyết bất kỳ xung đột, tranh chấp liên quan đến việc áp dụng hoặc giải thích Hiệp định phù hợp với Điều 22 của Hiệp định này.
  • Tiếp nhận và thảo luận đề nghị sửa đổi Hiệp định hoặc các Phụ lục của Hiệp định của một trong hai Bên; trình khuyến nghị cho các Bên về các sửa đổi được đề nghị; và phê chuẩn những sửa đổi liên quan đến các Phụ lục của Hiệp định, phù hợp với Điều 24 của Hiệp định này.
  • Tiếp nhận thông báo từ một trong hai Bên về những thay đổi liên quan đến tham chiếu văn bản pháp luật nêu tại Phụ lục II về Định nghĩa gỗ hợp pháp. Các bên thông qua JIC xem xét sự cần thiết của việc cập nhật Phụ lục II ít nhất hai năm một lần.
  • Phê duyệt phương thức công nhận hệ thống chứng chỉ tự nguyện và cơ chế chứng nhận quốc gia khi đã đáp ứng yêu cầu của VNTLAS và tiếp nhận thông tin về các hệ thống được Việt Nam đánh giá và công nhận phù hợp với Mục 2.3 của Phụ lục V.
  • Quyết định danh mục loài rủi ro cao trong việc kiểm soát gỗ nhập khẩu theo quy định của VNTLAS, rà soát danh mục loài theo định kỳ và bổ sung danh mục loài theo đề nghị của một trong hai Bên nếu có, theo quy định tại Mục 6.3.7 của Phụ lục V.
  • Xem xét và góp ý về hướng dẫn thực hiện VNTLAS, hướng dẫn xác minh, tiêu chí và phương pháp tiếp cận dựa trên rủi ro trong VNTLAS khi thực thi Hiệp định này.

2.      Giám sát và đánh giá việc thực thi Hiệp định

  • Cân nhắc và thông qua các biện pháp chung để thực thi Hiệp định này, đề xuất và/hoặc thực hiện bất kỳ biện pháp nào nhằm nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định.
  • Giám sát và đánh giá tiến độ chung việc thực thi Hiệp định này, bao gồm việc vận hành VNTLAS và cơ chế cấp phép FLEGT dựa trên kết quả và báo cáo của Đơn vị đánh giá độc lập theo quy định tại Điều 10 và Phụ lục VI của Hiệp định này.
  • Giám sát và đánh giá tác động kinh tế, xã hội và môi trường của việc thực thi Hiệp định này và quyết định các biện pháp phù hợp để giảm thiểu các tác động tiêu cực có thể xảy ra.
  • Xác định các lĩnh vực hợp tác nhằm hỗ trợ việc thực thi Hiệp định này, bao gồm cả đóng góp của các bên liên quan.
  • Thành lập các bộ phận trực thuộc để triển khai công việc hỗ trợ JIC khi cần thiết. Công việc hỗ trợ có thể là tiếp nhận và xem xét khiếu nại liên quan đến việc thực thi Hiệp định này.
  • Dự thảo, phê duyệt và công bố các báo cáo chung thường niên, biên bản các cuộc họp của JIC và các tài liệu khác có liên quan đến hoạt động của JIC, theo quy định tại Mục 4 của Phụ lục VIII.
  • Yêu cầu tiến hành thanh tra, kiểm tra nội bộ liên quan đến việc thực hiện VNTLAS và tiếp nhận kết quả thanh tra, kiểm tra nội bộ liên quan đến việc thực hiện VNTLAS.

3.      Quản lý đánh giá độc lập

  • Phê duyệt việc lựa chọn Đơn vị đánh giá độc lập do phía Việt Nam chỉ định sau khi tham vấn với EU, dựa trên Điều khoản tham chiếu cho Đơn vị đánh giá độc lập được quy định tại Phụ lục VI của Hiệp định này.
  • Phê duyệt Báo cáo khởi động, bao gồm kế hoạch đánh giá, phương pháp đánh giá, khung báo cáo, do Đơn vị đánh giá độc lập chuẩn bị.
  • Chuẩn bị hoặc chỉ định bộ phận trực thuộc của JIC để dự thảo Điều khoản tham chiếu cụ thể cho từng đợt đánh giá định kỳ của Đơn vị đánh giá độc lập và khuyến nghị các đợt đánh giá hoặc nghiên cứu bổ sung khi được yêu cầu.
  • Phê duyệt thiết kế của hệ thống quản lý khiếu nại về hoạt động của VNTLAS và cơ chế quản lý khiếu nại liên quan đến Đơn vị đánh giá độc lập, theo quy định tại Phụ lục VI.
  • Tiếp nhận, xem xét và góp ý cho tất cả các báo cáo do Đơn vị đánh giá độc lập đệ trình.
  • Thống nhất về các biện pháp khắc phục điểm yếu hoặc bất kỳ sự không tuân thủ trong VNTLAS dựa trên các phát hiện của Đơn vị đánh giá độc lập hoặc dựa trên các bằng chứng khác hoặc khiếu nại liên quan đến VNTLAS; và giám sát tác động của các biện pháp khắc phục đó.
  • (g) Công bố các báo cáo tóm tắt và biên bản các cuộc họp của JIC về báo cáo của Đơn vị đánh giá độc lập, theo quy định tại Mục 4 của Phụ lục VI và tại Phụ lục VIII.
  • Thông qua việc gia hạn hợp đồng với Đơn vị đánh giá độc lập, khi có yêu cầu.
Tải xuống Phụ lục IX tại đây