Ngày 28/12, dưới sự tài trợ của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), Tổng cục Lâm nghiệp phối hợp với Trung tâm Giáo dục và Phát triển tổ chức Diễn đàn “Chia sẻ bài học kinh nghiệm và Tổng kết kết quả dự án” tại Hà Nội. Hội thảo là hoạt động kết thúc dự án “Thúc đẩy sự tham gia của khối tư nhân vào quá trình đàm phán thực thi Hiệp định đối tác tự nguyện (VPA)”.
Hội thảo có sự tham gia của các bộ Ngoại giao, Tư pháp, Côngthương, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, điều phối viên dự án, các hiệp hội gỗ, đại diện các doanh nghiệp, các tổ chức cộng đồng và xã hội, các chuyên gia và các hộ gia đình có liên quan.
Tham dự hội thảo có hơn 75 đại biểu đại diện cho các Hiệp hội gỗ miền Nam, miền Trung và miền Bắc; Đại diện Tổng cục Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm; Đại diện VCCI Hà Nội, Đà Nẵng; Đại diện các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ tại miền Trung, miền Bắc; Đại diện nhóm cộng đồng, gồm các hộ trồng rừng và các cơ sở sản xuất chế biến nhỏ khu vực miền Bắc; Và đại diện các tổ chức xã hội dân sự (XHDS), phi chính phủ đang thực hiện các dự án liên quan tới VPA/FLEGT.
Diễn đàn “Chia sẻ bài học kinh nghiệm và Tổng kết kết quả dự án”
Hội thảo nhằm cập nhật các yêu cầu và thông tin mới nhất về VPA; Chia sẻ kết quả đánh giá tác động về kinh tế, xã hội, môi trường, thủ tục hành chính và pháp luật từ những nội dung cam kết mới của Hiệp định và những khuyến nghị từ các nhóm doanh nghiệp, cộng đồng và cơ quan chính phủ; Chia sẻ về kết quả diễn đàn tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp với Kiểm lâm và Hải quan nhằm thúc đẩy Thương mại gỗ Việt Nam; Chia sẻ bài học kinh nghiệm và tổng kết kết quả dự án; Và trao đổi, thảo luận về những tác động của VPA tới các nhóm đối tượng, đặc biệt là doanh nghiệp ngành gỗ.
Đại diện nhóm chuyên gia tư vấn đã trình bày những tác động tích cực và ảnh hưởng tiêu cực của Hiệp định Đối tác tự nguyện (VPA) khi chính thức được kí kết, cũng như khi giấy phép FLEGT – giấy chứng nhận gỗ xuất sang châu Âu là hợp pháp được chính thức cấp phép.
Nghiên cứu chỉ ra rằng, việc triển khai Hiệp định VPA sẽ có tác động tích cực đến nguồn cung gỗ nhập khẩu; giá trị cốt lõi và thương hiệu quốc gia; làm tăng năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp; khuyến khích trồng và sử dụng gỗ rừng trồng trong nước. Đặc biệt Hiệp định được kí kết sẽ khuyến khích những chủ rừng nhỏ thay đổi phương án và mục tiêu kinh doanh rừng trồng nhằm tăng tỷ lệ gỗ lớn phục vụ chế biến xuất khẩu. Từ những tác động tích cực đó, hình ảnh về sử dụng gỗ hợp pháp của Việt Nam cũng sẽ tạo tác động tích cực đến các thị trường xuất khẩu khác trong khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc kí kết Hiệp định VPA cũng sẽ gây nên những hạn chế nhất định như làm tăng thủ tục hành chính của nhà nước, dẫn đến tăng chi phí và nảy sinh tiêu cực; Các doanh nghiệp cũng sẽ phải tăng nhiều chi phí để đáp ứng được các yêu cầu của hiệp định, nếu không sẽ bị phá sản, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ; thiếu năng lực, trang thiết bị kĩ thuật và cơ sở pháp lý khi phối hợp thực hiện giữa các cơ quan sẽ gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và cả các đơn vị nhà nước… Nhiều đóng góp đã được nêu lên trong các hội thảo, tọa đàm trước cần sớm thực hiện để có thể khắc phục, hạn chế những tác động tiêu cực của VPA khi chính thức được kí kết, các đại biểu nhấn mạnh.
Hội thảo cũng đã chia sẻ về kết quả diễn đàn Tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp với Kiểm lâm và Hải quan nhằm thúc đẩy Thương mại gỗ Việt Nam; Chia sẻ bài học kinh nghiệm và tổng kết kết quả dự án, đồng thời tiếp tục trao đổi, thảo luận về những tác động của VPA tới các nhóm đối tượng, đặc biệt là doanh nghiệp ngành gỗ.
Dự án “Thúc đẩy sự tham gia của khối tư nhân vào quá trình đàm phán thực thi Hiệp định đối tác tự nguyện (VPA)” với các mục tiêu nhằm tăng cường tiếp cận doanh nghiệp để cung cấp thông tin về các yêu cầu pháp lý và quy định của Việt Nam về gỗ hợp pháp; Tăng cường đối thoại công – tư trong việc thúc đẩy quá trình đàm phán VPA; Giám sát, đánh giá hoạt động dự án.
Triển khai từ giữa năm 2016, đến cuối tháng 12/2017, dự án đã tổ chức được 4 khoá tập huấn cho đối tượng là doanh nghiệp của các khu vực Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung, Bình Dương, Bắc Ninh, Lâm Đồng và các cơ quan liên quan. Nội dung các tập huấn tập trung cung cấp thông tin về các yêu cầu và tác động, cơ hội của hiệp định đối với các doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức liên quan cũng như đối với ngành gỗ Việt Nam.
Hai sự kiện quan trọng được tổ chức là diễn đàn “Tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp với kiểm lâm và hải quan nhằm thúc đẩy thương mại gỗ Việt Nam” thu hút gần 50 đại biểu từ doanh nghiệp, hải quan và kiểm lâm từ ba khu vực Bắc, Trung, Nam. Sự kiện quy mô lớn (với gần 80 đại biểu tham dự) khác chính là Diễn đàn “Chia sẻ bài học kinh nghiệm và Tổng kết kết quả dự án”, hoạt động cuối cùng của dự án “Thúc đẩy sự tham gia của khối tư nhân vào quá trình đàm phán thực thi Hiệp định đối tác tự nguyện (VPA)” vừa diễn ra tại Hà Nội cuối tháng 12/2017. Bà Tô Kim Liên nhấn mạnh mặc dù dự án đã đạt kết quả tốt và có sự hợp tác giữa các hiệp hội doanh nghiệp, cơ quan liên quan và truyền thông nhưng vẫn cần tiếp tục tăng cường hợp tác chặt chẽ và hỗ trợ giữa các bên để dự án đạt hiệu quả tốt hơn và bền vững hơn nữa.