Hội thảo: “Đánh giá tác động từ những nội dung mới nhất của hiệp định VPA/FLEGT đối với doanh nghiệp ngành gỗ”

Ngày 30/8, hội thảo “Đánh giá tác động từ những nội dung mới nhất của hiệp định VPA/FLEGT đối với doanh nghiệp ngành gỗ” đã được VCCI Đà Nẵng phối hợp với Trung tâm Giáo dục và Phát triển và Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức tại Đà Nẵng với sự tham gia của 30 đại diện đến từ doanh nghiệp ngành gỗ, hiệp hội doanh nghiệp gỗ, cùng nhiều chuyên gia, nhóm nghiên cứu. Hội thảo nhằm đánh giá các khó khăn, tác động và giải pháp về quản lý, kinh tế, xã hội, môi trường của Hiệp định VPA/FLEGT đối với doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp gỗ.

DSC_0128.JPG

(Các đại biểu chia nhóm thảo luận theo chủ đề)

Tại hội thảo, bà Nguyễn Tường Vân, đại diện Tổng cục Lâm nghiệp đã điểm lại bốn nội dung mới  trong hiệp định VPA/FLEGT sau khi kết thúc vào tháng 5 vừa qua là: quản lý gỗ nhập khẩu, phân loại doanh nghiệp, xác minh xuất khẩu gỗ và cấp phép FLEGT.

Cụ thể, với nội dung Kiểm soát nhập khẩu gỗ, điểm mới là Việt Nam sẽ bổ sung phân loại mức độ rủi ro của các lô gỗ nhập khẩu theo loài gỗ và theo xuất xứ vùng địa lý thay vì chỉ dựa vào các giấy tờ như hiện nay. Quy định cam kết mới cũng bổ sung, sửa đổi một số bằng chứng nhập khẩu gỗ hợp pháp như thêm Hợp đồng mua bán hoặc tương đương, Vận tải đơn hoặc các chứng từ vận tải khác có giá trị tương đương, Bảng kê khai trách nhiệm giải trình về tính hợp pháp, Bổ sung thêm các chứng chỉ, tài liệu khác (nếu lô hàng thuộc loại rủi ro).

Nội dung Phân loại tổ chức là một nội dung hoàn toàn mới. Việt Nam sẽ phân loại các tổ chức thành nhóm 1 và nhóm 2 theo 5 tiêu chí là: Tuân thủ bằng chứng động về kiểm soát chuỗi cung ứng để đảm bảo gỗ hợp pháp; Đáp ứng các yêu cầu về kê khai và báo cáo kiểm soát chuỗi cung; Tuân thủ các bằng chứng về thành lập và hoạt động: giấy phép kinh doanh, môi trường, lao động, thuế..; Tình trạng vi phạm (Dựa vào cơ sở dữ liệu vi phạm theo quy định của pháp luật); và một số các tiêu chí khác.

Với nội dung Xác minh xuất khẩu gỗ và Cấp phép FLEGT, khi hiệp định VPA/FLEGT có hiệu lực thì Việt Nam sẽ xác minh xuất khẩu gỗ theo phân loại doanh nghiệp thuộc nhóm 1 và nhóm 2. Doanh nghiệp thuộc nhóm 1 sẽ không cần xác minh trong khi doanh nghiệp thuộc nhóm 2 sẽ cần xác minh, kiểm tra lô hàng và cần có giấy phép FLEGT nếu muốn xuất khẩu vào thị trường EU.

1.png

(Sơ đồ Xác minh xuất khẩu cho Doanh nghiệp Nhóm 1)

2.png

(Sơ đồ Xác minh xuất khẩu cho Doanh nghiệp nhóm 2)

Các đại biểu tham dự hội thảo đã chia nhóm thảo luận các khó khăn, tác động và giải pháp đối với 4 điểm quan trọng, đổi mới trong cam kết của đàm phán VPA/FLEGT. Ngoài ra, hội thảo cũng thảo luận về vấn đề giới và các vấn đề xã hội khác nếu hiệp định được kí kết.

Kết quả thảo luận chỉ ra nhiều ý kiến khác nhau về tác động tích cực và tiêu cực khi kí kết hiệp định VPA/FLEGT. Trong đó có một số ý kiến được nhiều đại biểu đồng thuận như việc phân loại doanh nghiệp có lợi cho các doanh nghiệp lớn nhưng sẽ khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ gặp nhiều khó khăn, cạnh tranh khi thuộc nhóm doanh nghiệp loại 2; các doanh nghiệp có thể gặp nhiều vướng mắc trong thời gian đầu hiệp định kí kết, vì vậy cần có hướng dẫn cụ thể về pháp lý và được tạo điều kiện để dần dần thích ứng; tăng cường áp dụng các công cụ phân loại doanh nghiệp, quản lý xuất nhập khẩu trực tuyến, tránh tình trạng tạo cơ hội cấu kết, tham nhũng giữa doanh nghiệp, kiểm lâm, hải quan và các đơn vị liên quan; kí hiệp định VPA/FLEGT góp phần làm tăng uy tín, giá trị của các sản phẩm gỗ của Việt Nam trên trường quốc tế nhưng cũng tăng sự canh tranh về đầu ra của sản phẩm khi nguyên liệu gỗ đầu vào bị hạn chế…

DSC_0157.JPG

(Các đại biểu trình bày kết quả thảo luận nhóm)

Để giảm thiểu tác động tiêu cực của nội dung hiệp định, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến về giải pháp như nhà nước cần hỗ trợ khởi đầu cho DN, giúp DN mở rộng thị trường nhập khẩu gỗ từ các quốc gia có quản lý rừng bền vững; hỗ trợ trồng rừng trong nước; tăng cường giám sát, kiểm tra đảm bảo rừng không bị khai thác trái phép; đề xuất nhà nước đàm phán công nhận bộ tiêu chuẩn gỗ hợp pháp giữa các quốc gia; minh bạch trong  nội dung, quy trình, thời gian thẩm định gỗ…

Hiệp định VPA/FLEGT giữa Việt Nam và EU đã được ký tắt vào 11/05/2017. Từ thời điểm đó, hai bên đang trong giai đoạn rà soát lại nội dung và hoàn thành thủ tục hành chính có liên quan đến luật pháp giữa hai bên. Về phía Việt Nam, Bộ Nông nghiệp cùng các doanh nghiệp gỗ, hiệp hội gỗ, các chuyên gia, nhóm nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ và các đơn vị liên quan khác đang thực hiện việc đánh giá những yếu tố tích cực và hạn chế của hiệp định (nếu được ký kết). Từ đó đưa ra những ý kiến, đề xuất hạn chế thấp nhất những tác động xấu cho đối tượng chính là doanh nghiệp.

Xem thêm hình ảnh tại hội thảo.