Ngày 28/9/2021, Trung tâm Giáo dục và Phát triển (CED) tổ chức Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm truyền thông thúc đẩy việc sử dụng gỗ hợp pháp tại Việt Nam. Hội thảo được tổ chức online với sự tham gia của 60 đại biểu đến từ các tổ chức trong và ngoài nước. Trong đó có đại diện nhà tài trợ từ Chương trình FAO-EU-FLEGT, đại diện Tổng cục Lâm nghiệp, đại diện các tổ chức, các trường đại học đối tác, đại diện Sở Công thương, Chi cục Kiểm lâm một số địa phương cùng Mạng lưới lãnh đạo trẻ của dự án.
Hội thảo là một trong những hoạt động cuối cùng của dự án “Đảm bảo tính hợp pháp của gỗ tại thị trường nội địa và thúc đẩy việc sử dụng gỗ hợp pháp và bền vững tại Việt Nam”.
Hội thảo được tổ chức với 3 mục tiêu chính:
- Chia sẻ kết quả các hoạt động dự án CED đã thực hiện trong thời gian qua;
- Thảo luận về các hoạt động truyền thông nhằm thực thi hiệu quả VPA/FLEGT và thúc đẩy tiêu dùng và sử dụng gỗ hợp pháp trong thời gian tới;
- Chia sẻ về kinh nghiệm truyền thông và huy động sự tham gia của các bên liên quan, đặc biệt là giới trẻ;
Tại hội thảo, ông Bruno Bruno Cammaert, quản lý chương trình FAO-EU-FLEGT, cơ quan tài trợ dự án chia sẻ: Những hoạt động trong dự án này mới và khác với các dự án truyền thống trong lĩnh vực VPA/FLEGT, nhắm đến thị trường trong nước, người tiêu dùng trẻ, và có sự tham gia của các bạn lãnh đạo trẻ, là các nhóm đối tượng mà các dự án từ trước đến nay chưa tập trung nhiều. Điều này cũng cho thấy sự quan tâm đến việc đưa các thông tin và cam kết thực thi VPA đến các đối tượng khác nhau trong xã hội.
Video: Sử dụng gỗ hợp pháp – Stop illegal logging
Mở đầu hội thảo, bà Tô Kim Liên đã chia sẻ về các hoạt động dự án thực hiện được trong 16 tháng. Một khảo sát nhằm đánh giá kiến thức, thái độ và thực tiễn (KAP) về việc sử dụng gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp của người tiêu dùng Việt Nam với 304 đại diện từ các cá nhân, tổ chức trong đó có 126 bạn trẻ từ 18 đến 24 tuổi được thực hiện ngay từ đầu dự án. Trên cơ sở đó dự án đã xây dựng được chiến lược truyền thông tập trung vào thị trường nội địa nhằm thúc đẩy tiêu dung có trách nhiệm, mua sắm gỗ hợp pháp.
Dự án đã hợp tác với báo chí, truyền thông, nhóm lãnh đạo trẻ môi trường để triển khai nhiều hoạt động truyền thông. Bên cạnh đó, dự án cũng có các phim ngắn và phóng sự truyền hình về thị trường và sử dụng gỗ hợp pháp trong nước. Dự án hợp tác với các Hiệp hội gỗ, các trường đại học có khoa kiến trúc, xây dựng, thiết kế nội thất khu vực miền Bắc và miền Trung tổ chức 2 hội thảo trực tiếp và 1 tọa đàm trực tuyến về Nâng cao nhận thức về sử dụng gỗ hợp pháp trong xây dựng, thiết kế kiến trúc và nội thất với hơn 950 sinh viên, giảng viên, chuyên gia lâm nghiệp, kiến trúc sư, nhà thiết kế trẻ, báo chí tham dự.
Để thực hiện hỗ trợ ý tưởng sáng tạo sử dụng gỗ trong nước hợp pháp và bền vững cho sinh viên và các nhà thiết kế trẻ, dự án đã tập huấn và hỗ trợ 50 bạn lãnh đạo trẻ ở 3 trường đại học là trường Đại học xây dựng Hà Nội, Đại học Kiến trúc Hà Nội và Đại học Xây dựng Miền Trung. Phát động cuộc thi sử dụng gỗ trong thiết kế với các trường đại học đối tác và chọn ra 19 bài thi đoạt giải tại các trường vào vòng chung kết.
Đầu tháng 10 dự án sẽ tổ chức một triển lãm “Sử dụng gỗ hợp pháp trong xây dựng, thiết kế kiến trúc và nội thất” tại 282 Design từ ngày 1/10/2021 đến ngày 31/10/2021 và được dựng thành triển lãm ảo trên website của dự án (flegtvpa.com). Triển lãm là một phòng trưng bày thông tin của các các công trình, các thiết kế nội thất sử dụng nguyên liệu là gỗ rừng trồng hợp pháp hay gỗ tái chế. Triển lãm sẽ truyền cảm hứng cho sinh viên, các nhà thiết kế trẻ phát triển các ý tưởng sáng tạo sử dụng gỗ rừng trồng ở Việt Nam trong các thiết kế của mình trong tương lai.
Để thực hiện mục tiêu Tăng cường hiểu biết về kiến thức, thái độ và thực tiễn liên quan đến gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp của người tiêu dùng Việt Nam, dự án đã xây dựng tài liệu hướng dẫn cho người tiêu dùng trong nước về mua sắm và tiêu thụ gỗ, sản phẩm gỗ hợp pháp trong đời sống hằng ngày. Dự án cũng xây dựng bộ công cụ hướng dẫn truyền thông về VPA/FLEGT trong đó tập hợp tất cả các thông tin liên quan đến VPA/FLEGT, các công cụ truyền thông, cách xây dựng một kế hoạch truyền thông hiệu quả và những nội dung cần truyền thông về VPA/FLEGT trong thời gian tới.
Ngoài các ấn phẩm truyền thông dành cho người tiêu dùng trong nước, dự án cũng đã xây dựng những bài giảng online về sử dụng gỗ hợp pháp trong xây dựng, thiết kế kiến trúc và nội thất trên website của dự án (flegtvpa.com), các trường đại học có ngành xây dựng, kiến trúc, vật liệu hay thiết kế nội thất có thể sử dụng những bài học này để giảng dạy cho sinh viên của mình.
Sau phần trình bày của bà Tô Kim Liên, bà Nguyễn Thị Hương – Điều phối viên chương trình của CED đã chia sẻ về cấu trúc của bộ công cụ hướng dẫn truyền thông về VPA/FLEGT cho các tổ chức.
Tiếp đó, ông Nguyễn Vũ Phương – Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng Miền Trung về các hoạt động hợp tác thực hiện cùng dự án. Ông Phương cho biết “Dự án đã góp phần nâng cao kỹ năng cho sinh viên, nhận thức về sử dụng gỗ hợp pháp, đặc biệt là tăng cường hiểu biết về kiến thức, thái độ và thực tiễn liên quan đến gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp của người tiêu dùng Việt Nam. Bên cạnh đó, dự án cũng tạo điều kiện nhiều bên tham gia, tạo điều kiện để mở rộng hợp tác kết nối giữa Nhà trường với các doanh nghiệp và các Hiệp hội nghề nghiệp”
Một yếu tố quan trọng góp phần không nhỏ vào thành công của dự án là hoạt động truyền thông của Mạng lưới lãnh đạo trẻ Môi trường. Bạn Nguyễn Thùy Dương, sinh viên năm 3 Đại học Kiến trúc Hà nội đã đại diện nhóm Lãnh đạo trẻ chia sẻ các kết quả hoạt động mà nhóm đã thực hiện trong thời gian dự án. Bạn Dương cung chia sẻ thêm “Cảm ơn dự án đã mang lại cho mạng lưới lãnh đạo trẻ một môi trường làm việc cùng nhau vô cùng bổ ích. Ngoài việc biết thêm kiến thức về môi trường, về gỗ hợp pháp, những buổi teamwork, giao lưu của những bạn trẻ quan tâm đến môi trường, chúng tôi còn xây dựng kế hoạch truyền thông, là thứ để chia sẻ kiến thức với những những sinh viên khác, từ đó thúc đẩy việc sử dụng gỗ hợp pháp cho những nhà kiến trúc, nội thất hiện tại và tương lai. Mặc dù dự án diễn ra trong tình hình dịch bệnh, chúng tôi vẫn tổ chức được nhiều hoạt động online để thực hiện những mục tiêu ban đầu đề, chúng tôi đã xây dựng được fanpage Lãnh đạo trẻ Môi trường với 1300 lượt like, tổ chức cuộc thi tìm hiểu về Gỗ hợp pháp với sự tham gia của 500 bạn trẻ từ nhiều trường cao đẳng, đại học, THPT trên cả nước, tham gia cuộc thi thiết kế sử dụng gỗ hợp pháp trong xây dựng, thiết kế kiến trúc và nội thất, có 4 đề tài của các bạn Lãnh đạo trẻ được vào vòng chung kết cuộc thi, ngoài ra trước đó chúng tôi đã tổ chức được 2 buổi Architalk chia sẻ những kiến thức về gỗ hợp pháp, lợi ích của vật liệu gỗ, cách làm nghiên cứu khoa học với chủ đề này cho 160 bạn sinh viên của 2 trường ĐH Xây dựng Hà Nội và ĐH Kiến trúc Hà Nội. Đây là một trải nghiệm đáng nhớ và vô cùng bổ ích cho việc định hướng việc làm của mình trong tương lai”.
Tại hội thảo, ông Trần Quốc Việt, Phó Khoa Kiến trúc và Quy hoạnh trường Đại học Xây dựng Hà Nội cũng đã chia sẻ: Đối với dự án truyền thông nâng cao nhận thức nên cần có thêm thời gian để sinh viên, các bạn trẻ biết đến nhiều hơn, các hoạt động đào tạo lãnh đạo trẻ, tổ chức cuộc thi thiết kế mới là những hoạt động mở đầu cho việc giáo dục giới trẻ về sử dụng gỗ hợp pháp, cần có thêm nguồn hỗ trợ duy trì hoạt động. Nên cho sinh viên đi thực tế ở các xưởng kiến trúc, xưởng thiết kế để được trải nghiệm. Dự án cũng cần thêm thời gian để đưa thông tin trực tiếp đến cộng đồng, người dân sử dụng gỗ.
Quí vị có thể xem toàn bộ bài trình bày và video được chiếu trong hội thảo tại đây.