Bản tin chính sách: Lỗ hổng và nguy cơ tiềm ẩn ở các doanh nghiệp gỗ nhỏ và siêu nhỏ

Trên cơ sở nghiên cứu hiện trạng thực tế của một số doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trong ngành gỗ ở một số tỉnh và tổng quát các báo cáo/nghiên cứu liên quan của các tổ chức trong mạng lưới VNGO-FLEGT, Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung đã phát hành bản tin chính sách “Lỗ hổng và nguy cơ tiềm ẩn trong thực hiện quy định về hợp đồng lao động, bảo hiểm cho người lao động và an toàn lao động ở các doanh nghiệp gỗ nhỏ và siêu nhỏ trong bối cảnh thực thi Hiệp định VPA/FLEGT”.

Hiệp định VPA/FLEGT đặt ra các yêu cầu tuân thủ về lao động đối với tổ chức/doanh nghiệp gỗ và các yêu cầu này được cụ thể hoá trong các văn bản pháp luật của Việt Nam. Tuy vậy, các doanh nghiệp gỗ nhỏ và siêu nhỏ chưa tuân thủ đầy đủ các quy định này, và điều đó đã gây ra những tác động tiêu cực đến chính doanh nghiệp và người lao động, nhất là các lao động nữ. Các nguyên nhân cơ bản của tình trạng này là: thiếu sự giám sát chặt chẽ việc thực thi các quy định pháp luật về lao động; người lao động có hiểu biết và nhận thức hạn chế về các quy định pháp luật, trong khi đó họ có những khó khăn về kinh tế nên phải chấp nhận làm việc trong điều kiện không đảm bảo; Công việc không ổn định của các doanh nghiệp gỗ nhỏ và siêu nhỏ tạo ra những khó khăn trong việc duy trì lực lượng lao động, dẫn đến các doanh nghiệp tìm cách “vận dụng linh hoạt” các quy định pháp luật về lao động.

Để có thể giải quyết các vấn đề này, cần có những quy định đặc thù đối với lao động mùa vụ có thời hạn hợp đồng dưới 03 tháng làm việc trong doanh nghiệp gỗ nhỏ và siêu nhỏ; nâng cao nhận thức về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong ngành gỗ; nâng cao hiểu biết và nhận thức về các quy định pháp luật về lao động và an toàn lao động cho người lao động; và tăng cường giám sát việc thực hiện các các quy định pháp luật về lao động và an toàn lao động trong các doanh nghiệp gỗ.

Mời quý độc giả xem bản tin đầy đủ tại đây: Bản tin chính sách_CRD_Tháng 6.2021