Tọa đàm trực tuyến “Thực thi Hiệp định VPA/FLEGT” trên báo điện tử Dân Việt chiều ngày 31/10/2018

Chiều ngày 31.10, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Báo Nông thôn Ngày nay tổ chức buổi Tọa đàm trực tuyến: “Thực thi Hiệp định VPA/FLEGT: Cơ hội và thách thức với xuất khẩu gỗ của Việt Nam” trên Báo điện tử Dân Việt

Tham dự buổi tọa đàm, có ông: Hà Sỹ Đồng- Ủy viên Ủy ban Tài chính- ngân sách của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị; ông Phạm Văn Điển- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, lãnh đạo Văn phòng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA), Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang, Trung tâm giáo dục và phát triển (CED)…

Sau hơn 6 năm đàm phán, Việt Nam và Liên minh châu Âu đã chính thức ký kết Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi Luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) vào ngày 19/10/2018. Đây là Hiệp định thương mại có tính chất ràng buộc pháp lý nhằm cải thiện quản trị rừng và thúc đẩy thương mại gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường EU.

Nguồn: báo Dân Việt

Hiệp định VPA giữa Việt Nam và EU gồm 27 Điều và 9 Phụ lục kỹ thuật. Việt Nam cam kết xây dựng và vận hành Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS) phù hợp với đặc điểm chuỗi cung của Việt Nam và quy định của EU để xác minh, truy xuất nguồn gốc gỗ trong toàn bộ chuỗi cung làm căn cứ để cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy phép FLEGT cho các lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang EU. Đổi lại, các lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam có giấy phép FLEGT sẽ không phải thực hiện trách nhiệm giải trình về nguồn gốc gỗ hợp pháp theo quy định EUTR 995 khi xuất khẩu vào EU.

Tại tọa đàm, bà Nguyễn Tường Vân – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế (TCLN) cho biết: “Nhóm 1 là doanh nghiệp tuân thủ pháp luật và nhóm 2 là doanh nghiệp không tuân thủ pháp luật. Doanh nghiệp Nhóm 1 được chủ động trong hoạt động kinh doanh không phải trình cho cơ quan kiểm lâm sở tại xác nhận hồ sơ xuất khẩu. Doanh nghiệp Nhóm 2: khi xuất khẩu sẽ phải trình Bảng kê lâm sản cho cơ quan kiểm lâm sở tại kiểm tra và xác nhận và kiểm tra thực tế 20% lô hàng trước khi xuất khẩu và cấp phép FLEGT. Về cấp phép FLEGT: Chỉ cấp cho những lô gỗ xuất khẩu sang các nước thành viên EU. Đây được coi là “Giấy thông hành đặc biệt” do chính các cơ quan Việt Nam cấp để các lô hàng gỗ của ta được tự do vào EU mà không phải làm thủ tục xác minh nguồn gốc gỗ hợp pháp. Khi thực thi cơ chế này, doanh nghiệp nhóm 1 sẽ có lợi ích nhất định, tất cả sẽ được thể chế hóa bằng Nghị định, dự kiến năm 2019 sẽ hoàn thành Nghị định hướng dẫn thực hiện hiệp định VPA/FLEGT, khi đó hiệp định mới được thực thi đầy đủ. Bây giờ, các doanh nghiệp vẫn phải thực hiện trách nhiệm giải trình, tuân thủ các quy định của Việt Nam và EU. Chỉ khi được cấp giấy phép FLEGT mới thay thế được quy định đó”

Hiệp định VPA được xây dựng dựa trên quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam, đồng thời có 4 nội dung cam kết mới đòi hỏi cần quy định bổ sung để phù hợp với các quy định của quốc tế về truy xuất nguồn gốc gỗ. Việt Nam sẽ áp dụng các bộ lọc rủi ro là “loài rủi ro” và “vùng địa lý rủi ro” để kiểm soát và quản lý gỗ nhập khẩu vào Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam sẽ thực hiện việc phân loại mức độ rủi do doanh nghiệp tham gia trong chuỗi cung của Hệ thống VNTLAS để có chế tài quản lý phù hợp.

Bên cạnh những lợi ích, Hiệp định này cũng đặt ra những nghĩa vụ cho Việt Nam về việc phải sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật. Để thực hiện nội dung này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có kế hoạch xây dựng một Nghị định quy định về Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam, hoàn thành trong năm 2019 nhằm thể chế hoá các cam kết của Hiệp định.

Bà Tô Kim Liên – Giám đốc Trung tâm Giáo dục và Phát triển chia sẻ thêm về vai trò của các bên liên quan trong quá trình đàm phán và thực thị Hiệp định: “Chúng ta đã tham gia đàm phán từ 2010, các tổ chức xã hội như CED cũng tham gia quá trình đàm phán đó, tuy nhiên mỗi một tổ chức, Hiệp hội lại có mục đích, vai trò khác nhau.Khi VPA được ký kết thì lợi ích đầu tiên đúng như tên gọi, đó là thực thi Luật Lâm nghiệp tốt hơn. Phải chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp của các sản phẩm gỗ. Điều này sẽ làm tăng tính cạnh tranh của các sản phẩm lâm nghiệp, đồng thời tăng cường công tác bảo vệ môi trường rừng”

Liên quan đến việc thực thi Hiệp định VPA/FLEGT, từ ngày 1/1/2019, tới đây, Luật Lâm nghiệp cũng sẽ có hiệu lực thi hành, ông Hà Sỹ Đồng chia sẻ về lợi ích của việc thực thi Luật: “Luật Lâm nghiệp đã được Quốc hội sửa đổi, bổ sung thành Luật Bảo vệ và phát triển rừng với những điều luật rõ ràng, bao gồm cả các cơ chế, nhiệm vụ, quy định trong xử lý các vi phạm pháp luật bảo vệ rừng, chức năng nhiệm vụ của lực lượng kiểm lâm, trách nhiệm của chính quyền các cấp cũng được đưa vào hết sức công phu. Luật lần này có nhiều tiến bộ đột phá, đổi mới, phù hợp với xu thế hội nhập trong bối cảnh chúng ta tham gia vào Hiệp định VPA/FLEGT rất kịp thời. Tham gia Hiệp định này, chúng ta phải cam kết 3 điều kiện, trong khi đó nếu tất cả những hộ trồng rừng thực hiện tốt Luật Bảo vệ và phát triển rừng, chấp hành luật thì việc thực hiện VPA/FLEGT rất dễ. Đó là gỗ sản xuất phải có nguồn gốc hợp pháp, từ sản xuất, chế biến, đặc biệt là những khu rừng tuân thủ FSC thì thực hiện Hiệp định này càng dễ hơn. Luật Bảo vệ và phát triển rừng phù hợp với xu thế hội nhập, các DN sản xuất ngành lâm nghiệp nói chung và xuất khẩu gỗ nói riêng. Với diện tích gỗ đã được cấp chứng chỉ FSC thì việc xin cấp visa xuất khẩu sẽ dễ dàng hơn, đảm bảo an toàn lô hàng chắc chắn không bị trả về, không bị truy xuất nguồn gốc, không bị ảnh hưởng bởi luật pháp của EU. Mong rằng tới đây, Hiệp hội Gỗ cũng như các địa phương sẽ triển khai thực thi luật này đến tất cả các DN thành viên, các cơ sở chế biến xuất khẩu gỗ, các chủ rừng…”

Trung tâm Giáo dục và Phát triển