Để có cơ sở xây dựng các phương pháp truyền thông hiệu quả giúp tăng cường hiểu biết về gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp cho người tiêu dùng, qua đó thúc đẩy việc mua bán và sử dụng gỗ hợp pháp tại Việt Nam, từ tháng 5 đến tháng 10 năm 2020, Trung tâm Giáo dục và Phát triển đã tiến hành đánh giá về việc mua sắm, sử dụng gỗ và sản phẩm gỗ của người tiêu dùng Việt Nam. Kết quả đánh giá được phát triển dựa trên việc nghiên cứu tài liệu có sẵn và khảo sát online, phỏng vấn 296 người tiêu dùng cá nhân và 9 tổ chức trên cả nước.
Mục tiêu của khảo sát là xác định kiến thức, thái độ của người tiêu dùng làm cơ sở kiến nghị đến các chính sách của cơ quan quản lý và việc sản xuất sản phẩm gỗ hợp pháp của doanh nghiệp; và xác định các rào cản liên quan đến nhận thức, thái độ, và thực tiễn việc sử dụng và tiêu thụ gỗ hợp pháp hiện nay tại Việt Nam, qua đó xác định các phương pháp/ phương tiện truyền thông, cho các nhóm đối tượng mục tiêu, nhằm thúc đẩy việc sử dụng và tiêu thụ gỗ hợp pháp đảm bảo việc thực thi luật lâm nghiệp, thực thi cam kết của VPA.
Một số kết quả đáng chú ý từ khảo sát người tiêu dùng:
– Với khách hàng cá nhân: trên một nửa trong số 170 người tiêu dùng ở độ tuổi từ 25 trở lên có nhận thức tốt về tác động của việc khai thác, buôn bán và sử dụng gỗ bất hợp pháp, nhưng chỉ có 3,5% người được hỏi ưu tiên khía cạnh tính hợp pháp khi mua một sản phẩm gỗ, chất lượng và giá cả là những yếu tố quyết định chính. 98% người tiêu dùng cũng không quan tâm sản phẩm gỗ có nguồn từ gỗ rừng trồng hay gỗ rừng tự nhiên và 96% số người được hỏi cho biết sẵn sàng trả mức giá cao hơn để được đảm bảo rằng gỗ mà mình mua có nguồn gốc hợp pháp. Phần lớn đồ gỗ các gia đình sử dụng hiện nay đều là gỗ trong nước (77%), với 2 loại gỗ phổ biến tại thị trường nội địa hiện nay là gỗ xoan đào và gỗ công nghiệp. Về hình thức mua sắm, 92% người mua trực tiếp tại cửa hàng hoặc hộ sản xuất, kinh doanh đồ mộc. chỉ có 1% chọn hình thức mua hàng online.
– Với giới trẻ: CED đã tiến hành khảo sát với 126 bạn trẻ từ 18 – 24 tuổi, hầu hết các bạn trẻ có thái độ tốt đối với việc mua sắm và sử dụng gỗ/sản phẩm gỗ trong tương lai, và quan tâm đến môi trường, 98% có nhu cầu mua sắm gỗ/sản phẩm gỗ hợp pháp, 75% sẽ yêu cầu người bán cung cấp giấy tờ chứng minh nguồn gốc nguyên liệu khi mua sản phẩm gỗ trong tương lai. Chất lượng sản phẩm, giá cả, kiểu dáng mẫu mã thiết kế, độ tiện lợi của sản phẩm là những yếu tố được quan tâm hơn cả, 92% bạn trẻ sẵn sàng chi trả thêm tiền để mua được những sản phẩm hợp pháp.
– Với khách hàng là các tổ chức: CED đã phỏng vấn và lấy thông tin online với 9 tổ chức bao gồm trường học, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp. Tất cả các tổ chức tham gia khảo sát đều mua hàng trực tiếp tại doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hoặc tại cửa hàng; các tổ chức thường tham khảo qua các kênh quảng cáo, từ đối tác hoặc qua internet khi lựa chọn nhà cung cấp. Chất lượng sản phẩm và giá cả vẫn là 2 yếu tố được quan tâm nhất, sau đó đến kiểu dáng mẫu mã thiết kế, độ tiện lợi của sản phẩm, các yếu tố về xuất xứ, nguồn gốc ít được quan tâm hơn. 100% đại diện đồng ý với các yêu cầu của pháp luật VN về gỗ hợp pháp, và có đưa ra một số ý kiến để các quy định pháp luật được triển khai hiệu quả như: Cần thực hiện nghiêm các chế tài với các đơn vị khai thác và chế biến sản phẩm từ gỗ. Cần tuyên truyền luật pháp và các quy định về sản phẩm gỗ rộng rãi tới các đơn vị thường xuyên sử dụng sản phẩm gỗ và cộng đồng.
Nghiên cứu này là một trong những hoạt động của dự án “Đảm bảo tính hợp pháp của gỗ tại thị trường nội địa và thúc đẩy việc sử dụng gỗ hợp pháp và bền vững tại Việt Nam” được tài trợ bởi Chương trình FAO-EU-FLEGT, do CED thực hiện trong 2 năm 2020 và 2021.
Mời xem toàn văn báo cáo KAP_Report_FAO_FLEGT_2020.vn