Ngày 2 tháng 10 năm 2020, Trung tâm Giáo dục và Phát triển tổ chức cuộc họp Khởi động dự án “Đảm bảo tính hợp pháp của gỗ tại thị trường Việt Nam” do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) tài trợ. Đây là hoạt động trong khuôn khổ của dự án và mục tiêu của hội thảo gồm: Lấy ý kiến đóng góp cho báo cáo khảo sát về nhận thức, thái độ, thực tiễn về việc mua sắm, sử dụng gỗ và sản phẩm gỗ của người tiêu dùng Việt Nam ở thời điểm hiện tại và trong tương lai; Thảo luận về kế hoạch dự án và các cơ hội hợp tác giữa các bên trong các hoạt động của dự.
Tham dự hội thảo có 20 đại biểu đại diện các Hiệp hội gỗ, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội đang thực hiện các dự án liên quan tới FLEGT/VPA, một số cơ quan liên quan, ….
Cuộc họp diễn ra trong 3 tiếng với các nội dung chính sau: Giới thiệu các hoạt động của dự án, chia sẻ báo cáo và kết quả khảo sát, và thảo luận về kế hoạch dự án và các cơ hội hợp tác giữa các tổ chức trong các hoạt động liên quan của các dự án.
Bà Tô Kim Liên – Giám đốc Trung tâm Giáo dục và Phát triển đã giới thiệu về các hoạt động của dựa án, các hoạt động đã thự hiện và kế hoạch thực hiện các hoạt động của dự án sắp tới. Sau phần giới thiệu các hoạt động của dự án, bà Phạm Thị Hải Yến đã chia sẻ về kết quả khảo sát về nhận thức, thái độ, thực tiễn về việc mua sắm, sử dụng gỗ và sản phẩm gỗ của người tiêu dùng Việt Nam ở thời điểm hiện tại và trong tương lai.
Chi tiết bài trình bày về các hoạt động dự án và kết quả khảo sát
Hội thảo đã nhân được nhiều đóng góp ý kiến từ phần thảo luận của các đại biểu tham gia dưới đây:
Một số đại biểu cho rằng: Báo cáo khảo sát rất chi tiết, đây là lần đầu tiên có 1 khảo sát về nhu cầu sử dụng gỗ hợp pháp trong nước. Báo cáo cho thấy các bạn trẻ rất quan tâm đến vấn đề của gỗ hợp pháp nhưng về sử dụng gỗ lại liên quan đến nhóm lớn tuổi hơn. Vì vậy, các đai biểu đặt câu hỏi rằng CED sẽ xây dựng chiến lược truyền thông của mình nhắm vào giới trẻ hay nhắm vào đối tượng lớn tuổi hơn? Nếu nhắm vào giới trẻ có nhận thức tốt như sinh viên hay các bạn trẻ làm trong có tổ chức (đặc biệt là các bạn trẻ làm trong khối cơ quan nhà nước hiện nay đã có luật cấm sử dụng gỗ bất hợp pháp), vậy mình tập trung truyền thông vào đối tượng nào để tối ưu được kết quả với nguồn lực có hạn của dự án?
Một số đại biểu chia sẻ rằng, hiện nay truyền thông Việt Nam đang đưa các thông tin về những đối tượng sử dụng gỗ quý hiếm như thể hiện đẳng cấp. Tuy nhiên, với dự án thì nên thúc đẩy truyền thông để họ tập trung vào dự án hãy tập trung truyền thông vào gỗ rừng trồng, những loại gỗ hiện nay được coi là có giá trị thấp hơn gỗ tự nhiên, nhằm giúp giới trẻ nhận thức được rằng những người sử dụng các sản phẩm gỗ rừng trồng mới là những người có trách nhiệm đối với môi trường, để tạo thành thói quen, văn hóa sử dụng gỗ hợp pháp. Việc thay đổi thái độ và nhận thức của giới trẻ về việc không nên sử dụng gỗ quý, bao gồm cả thay đổi truyền thông trong giới báo chí, truyền thông trong cộng đồng làm gỗ, truyền thông trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ. Cần thúc đẩy mạnh mẽ truyền thông cho giới trẻ, cả những nhà báo trẻ. Nếu làm được như vậy, dần dần sẽ thay thế việc sử dụng gỗ tự nhiên, gỗ mọc chậm, định hướng như vậy sẽ phát triển lâu dài, và bước đầu tiên CED đang đi là đúng hướng, đúng đối tượng,
Một số đại biểu khác cũng cho rằng: Mục tiêu của dự án là thay đổi nhận thức của thị trường sẽ bền vững vì nếu để doanh nghiệp lựa chọn giữa làm theo luật hay theo xu thế thị trường thì họ sẽ chọn thị trường. Nếu muốn thay thế được các sản phẩm gỗ rừng tự nhiên, gỗ quý hiếm cần thay thế thói quen sử dụng hàng mỹ nghệ của người tiêu dùng. Hàng mỹ nghệ hiện nay chia thành ba cấp độ: nhóm cao cấp, nhóm trung bình và nhóm thấp. Dòng gỗ cao cấp tương đương với gỗ nhóm một, nếu thay đổi thói quen về sử dụng sản phẩm chạm trổ điêu khắc tinh xảo thì sẽ giảm được nhu cầu sử dụng gỗ quý.
Theo ý kiến của đại diện một số hiệp hội doanh nghiệp: Khảo sát của dự án tập trung vào giới trẻ (từ 25-40) là nhóm vô cùng quan trọng, vì đây là nhóm có nhu cầu mua sắm đồ gỗ cho gia đình cao nhất. Chúng ta cần áp dụng những quy luật và quy tắc tương đối phổ biến hiện nay. Thứ nhất là quy tắc 80/20, chúng ta dùng 80% nguồn lực dự án tập trung vào đối tượng quan trọng này. Thứ 2 là phải áp dụng quy luật cung, cầu, và dự án nên tác động tới đối tượng cầu nhiều hơn. Theo kết quả khảo sát của dự án, cũng như chia sẻ từ một số tổ chức, hầu hết người được đánh giá cho rằng họ quan tâm nhiều nhất tới chất lượng và giá cả. Dự án hãy xây dựng bảng so sánh giữa gỗ công nghiệp/ rừng trồng và gỗ tự nhiên để người tiêu dùng khi muốn mua gỗ và sản phẩm gỗ có thể đánh giá được. Bảng so sánh tập trung về so sánh chất lượng gỗ, so sánh về: ưu nhược điểm của 2 loại gỗ công nghiệp/ rừng trồng và gỗ rừng tự nhiên (gỗ quý). So sánh về 5 khía cạnh: Thứ nhất là pháp luật, thứ 2 là về môi trường và xã hội, thứ 3 là về chất lượng (trong đó nhấn mạnh đến khoa học và công nghệ hiện nay xử lý tốt các loại gỗ công nghiệp và rừng trồng), thứ 4 là về sự tiện lợi, thứ 5 là giá cả. Sau khi hoàn thành bảng so sánh, dự án hãy tải lên mạng để người tiêu dùng có thể tìm và so sánh. Khi người tiêu dùng tìm thấy thông tin so sánh rõ ràng như vậy, họ thấy được giá cả, chất lượng, về pháp luật và môi trường, xã hội đều đảm bảo như vậy rồi thì chắc chắn người tiêu dùng sẽ thay thái độ, cách nhìn nhận với sản phẩm gỗ rừng trồng và công nghiệp, dẫn tới sẽ mua và sử dụng các loại gỗ rừng trồng và công nghiệp mà không nhất thiết phải tìm mua các loại gỗ nhóm 1 và gỗ rừng tự nhiên quý hiếm. Khi cầu đã thay dổi, sẽ dẫn tới tác động vào phía cung, vì vậy chúng ta sẽ giảm bớt chi phí vào nhóm thiết kế, dùng chi phí để tác động vào nhóm cung 80% để đạt kết quả tối ưu nhất.