Dự án “Đảm bảo tính hợp pháp của gỗ tại thị trường trong nước và thúc đẩy sử dụng gỗ hợp pháp và bền vững tại Việt Nam”

BỐI CẢNH

Rừng là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá và mang lại rất nhiều lợi ích mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người. Rừng cho chúng ta gỗ quý, dược liệu, khoáng sản, rừng là nơi sinh sống của nhiều loài động vật hoang dã, trong đó có nhiều loài quý hiếm. Rừng còn mang lại lợi ích cho con người từ hoạt động du lịch sinh thái. Rừng ngăn nước lũ, chống xói mòn, điều hòa khí hậu. Ở Việt Nam, những năm qua lũ lụt, hạn hán diễn ra ngày càng khốc liệt là bởi rừng đã bị con người khai thác, chặt phá không thương tiếc, đặc biệt là nạn khai thác gỗ bất hợp pháp. Khai thác gỗ bất hợp pháp bao gồm việc khai thác, chế biến, vận chuyển, mua hay bán gỗ vi phạm pháp luật.

Nhằm ngăn chặn nạn khai thác gỗ bất hợp pháp, trên phương diện quốc tế, Việt Nam đã ký kết Hiệp định đối tác tự nguyện về Thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) với Liên minh Châu Âu (EU) và cam kết tất cả gỗ khai thác, nhập khẩu, vận chuyển, chế biến, mua bán và xuất khẩu tại Việt Nam đều phải đảm bảo tính hợp pháp. Luật Lâm nghiệp Việt Nam năm 2017 cũng quy định: “Nhà nước xây dựng và vận hành Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam; ban hành tiêu chí, thẩm quyền, quy trình, thủ tục phân loại doanh nghiệp khai thác, vận chuyển, tiêu thụ, chế biến và xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ.” Hiện nay, Việt Nam đang xây dựng và hoàn thiện các chính sách nhằm kiểm soát chặt chẽ toàn bộ chuỗi cung ứng của các sản phẩm. Như vậy, trong tương lai gỗ và sản phẩm gỗ bất hợp pháp sẽ không được phép lưu thông trên thị trường.

Dự án “Đảm bảo tính hợp pháp của gỗ tại thị trường nội địa và thúc đẩy việc sử dụng gỗ hợp pháp và bền vững tại Việt Nam” được tài trợ bởi Chương trình FAO-EU-FLEGT do Trung tâm Giáo dục và Phát triển thực hiện từ tháng 5/2020 đến tháng 11/2021 với các mục tiêu chính sau đây:

  • Thúc đẩy mua sắm và tiêu thụ gỗ trong nước có trách nhiệm tại Việt Nam.
  • Tăng cường hiểu biết về kiến thức, thái độ và thực tiễn liên quan đến gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp của người tiêu dùng Việt Nam.

HOẠT ĐỘNG DỰ ÁN
1. Gia tăng hiểu biết về kiến thức, thái độ và thực tiễn liên quan đến gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp của người tiêu dùng Việt Nam

  • Thực hiện khảo sát về nhận thức, thái độ và thực tiễn của người tiêu dùng Việt Nam đối với việc sử dụng gỗ hợp pháp và bền vững, đặc biệt là việc sử dụng gỗ tư rừng tự nhiên có giá trị cao và có nguy cơ tuyệt chủng;
  • Xây dựng tầm nhìn, lập kế hoạch cho cộng đồng về sử dụng gỗ và các sản phẩm gỗ bền vững trong tương lai.

2. Thúc đẩy người tiêu dùng Việt nam tiêu thụ gỗ có trách nhiệm

  • Thực hiện kế hoạch truyền thông đổi mới nhằm vào thị trường nội địa và khuyến khích sử dụng gỗ hợp pháp và bền vững;
  • Hỗ trợ xây dựng và phát triển các dự án và ý tưởng sáng tạo về sử dụng gỗ trong nước một cách hợp pháp và bền vững;
  • Xây dựng hướng dẫn cho người tiêu dùng trong nước về mua sắm và tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp;
  • Phát triển bộ công cụ cho truyền thông VPA/FLEGT và hướng dẫn tuân thủ;
  • Thực hiện chiến dịch truyền thông cho thanh niên bao gồm năm hội thảo về yêu cầu pháp lý đối với gỗ được sử dụng trong thiết kế và xây dựng tại 5 trường đại học uy tín ở Việt Nam;
  • Tổ chức cuộc thi thiết kế sử dụng gỗ hợp pháp và bền vững tại Việt Nam;
  • Thành lập một nhóm gồm 75 nhà lãnh đạo trẻ từ năm trường đại học công lập được lựa chọn và hỗ trợ/huấn luyện họ điều hành chương trình truyền thông cho thanh thiếu niên;
  • Xây dựng tài liệu hướng dẫn và đào tạo trực tuyến cho các bên liên quan để mở rộng truyền thông;
  • Duy trì trang web/cổng thông tin trên fanpage FLEGT và Nhóm nòng cốt thực thi đa bên về VPA/FLEGT (Core Group).

3. Xây dựng và thực hiện khung giám sát, đánh giá và tầm nhìn dự án

  • Tổ chức hội thảo khởi động dự án để giới thiệu và lập kế hoạch thực hiện các hoạt động được đề xuất;
  • Theo dõi và đánh giá kết quả đầu ra của dự án và tổ chức hội thảo kết thúc dự án.