(Thoibaonganhang.vn) – Sắt thép lên ngôi ở thế kỷ 19, thế kỷ 20 là thời của bê tông cốt thép, thì vật liệu định hình thế kỷ 21 là gỗ, nhưng phải là gỗ hợp pháp. Hội thảo “Sử dụng gỗ hợp pháp và bền vững trong xây dựng, thiết kế kiến trúc và nội thất tại Việt Nam” cho biết.
Đại diện cho đơn vị tổ chức hội thảo, bà Tô Kim Liên, Giám đốc Trung tâm Giáo dục và Phát triển (CED) cho biết: “Giới khoa học và kiến trúc trên thế giới đang thúc đẩy một khuynh hướng mới: “thời của gỗ”.
Theo các nhà khoa học và kiến trúc trên thế giới, với công nghệ gỗ hiện đại và phát triển ngày nay, gỗ có thể có công năng tương đương như bê tông nhưng lại là vật liệu xanh, bền vững, và thân thiện hơn với môi trường so với bê tông cốt thép.
Tại tọa đàm ngày 04/9/2021 này, các kiến trúc sư, giáo sư và các chuyêng gia cùng cho rằng, với nhu cầu nhà ở, cơ sở hạ tầng cũng ngày càng tăng. Và các công trình sắt thép và bê tông đã khiến quá trình biến đổi khí hậu sẽ diễn ra nhanh hơn.
Chính vì thế, thế giới cần một giải pháp thay thế bền vững hơn, đó là gỗ. Gỗ cũng là vật liệu được ưa chuộng ở Việt Nam.
“Những công trình, những sản phẩm làm từ vừa có tính thẩm mỹ cao, lại mang lại sự thân thiện, tốt cho sức khỏe, độ bền và giá trị kinh tế cao”, Kiến trúc sư (KTS) Phạm Thanh Huy, người sáng lập và cũng là CEO của 282 Design phát biểu.
Về phong thủy, gỗ là một một trong năm yếu tố hình thành nên trái đất nên vận hành theo quy luật âm dương ngũ hành. Gỗ thuộc hành mộc dương nhưng lại có tính âm, có tác dụng làm chậm dòng khí tạo nên sự thư thái.
“Gỗ dẻo dai, giãn nở và liên kết vững vàng. Gỗ là một loại vật liệu giúp cho các nhà thiết kế thỏa sức sáng tạo ra các sản phẩm đa dạng và tinh tế, phù hợp cả phong cách truyền thống lẫn hiện đại”, TS.KTS. Đặng Hoàng Vũ, Phó trưởng khoa Kiến trúc, Đại học Kiến trúc Hà Nội phát biểu.
TS.KTS. Đặng Hoàng Vũ cho biết thêm, trên thế giới đang có sự bùng nổ của các công trình kiến trúc hiện đại bằng gỗ. Sự bùng nổ này có được là nhờ công nghệ sản xuất gỗ kỹ thuật (gỗ qua xử lý) đã đạt nhiều tiến bộ.
PGS. TS. KTS.Nguyễn Vũ Phương, Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Miền Trung và các chuyên gia, các nhà khoa học cùng khẳng định sử dụng gỗ sẽ tạo mội trường sống tốt, vừa tốt cho sức khỏe, tính thẩm mỹ cao lại bảo vệ môi trường. Sử dụng gỗ giảm đáng kể lượng khí thải do hiệu ứng nhà kính (GHG) do các hoạt động xây dựng gây ra, giảm chất thải phế thải, ô nhiễm và chi phí liên quan đến xây dựng.
Theo KTS.Michael Green – người đứng thứ 13 trong danh sách Kiến trúc sư nổi tiếng nhất thế giới đã từng nói: Khi định xây dựng một toà nhà chọc trời, hãy quên cốt thép và bê tông đi. Hãy xây nó bằng gỗ. Theo ông, nếu xây 1 tòa nhà 20 tầng bằng gỗ thay vì bằng ximăng và bêtông, lượng khí thải giảm được sẽ là 4.300 tấn, tương đương với việc giảm được 900 chiếc xe hơi ra khỏi đường phố mỗi năm.
Một điểm đáng ngạc nhiên, khác với những hiểu biết trước đây về gỗ được nêu lên tại hội thảo này, đó là công trình gỗ không dễ cháy. Các toà nhà gỗ với những mảng gỗ lớn, dày và ép thực ra khó cháy. Khi có hỏa hoạn, mảng ngoài của các khối gỗ lớn sẽ xém lại theo một cách được dự đoán trước và sẽ tự dập lửa hiệu quả và bảo vệ lớp bên trong, cho phép khối gỗ giữ được hình khối nguyên vẹn trong vài giờ khi có hỏa hoạn lớn.
Vì vậy, nếu sắt thép lên ngôi ở thế kỷ 19 và thế kỷ 20 là thời của bê tông cốt thép, thì vật liệu định hình thế kỷ 21 là gỗ. Nhưng phải là gỗ hợp pháp và không phá rừng.
Bên cạnh xu hướng dùng gỗ, thế giới cũng đã đẩy mạnh ý thức hệ yêu thiên nhiên, thúc đẩy trồng rừng, sử dụng gỗ nguyên liệu, gỗ tái sinh và đưa ra các giải pháp để tận dụng gỗ triệt để nhằm không ảnh hưởng đến thiên nhiên.
“Đó là nét văn hóa, là ý thức chúng ta cần học hỏi để định hướng lại hành động một cách văn minh và khoa học nhất”, KTS. Phạm Thanh Huy phát biểu.
Việt Nam đang đứng thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu gỗ. Nhưng lại đang để hổng thị trường nội địa trong khi nhu cầu nội địa rất lớn.
Theo nghiên cứu của Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam tại TP HCM Nội và Hải Phòng, thấy rằng nhu cầu gỗ trong nước là rất lớn từ 800 triệu – 1 tỷ USD/năm.
“Ở Sài Gòn, một gia đình trung lưu tiêu từ 6 – 7 triệu đồng tiền gỗ/năm, thành phố Hà Nội 3 triệu đồng, nông thôn 1 triệu đồng. Chưa kể nhu cầu sử dụng đồ gỗ tại các khách sạn từ 2- 5 sao là rất lớn”, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký, Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho biết.
Theo khảo sát người tiêu dùng trẻ của CED về sản phẩm gỗ, giới trẻ cho biết họ sẵn sàng chọn sản phẩm gỗ và sẽ ưu tiên chọn sản phẩm có nguồn gốc gỗ hợp pháp. Họ cũng ủng hộ các kiến trúc sử dụng gỗ.
Để thực hiện Hiệp định VPA/FLEGT giữa Việt Nam và EU tháng 9/2020 Chính phủ đã ban hành Nghị định 102/2020/NĐ-CP về việc quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam. Hiệp định có hiệu lực từ ngày 30/10/2020, theo đó, gỗ và sản phẩm gỗ sản xuất, chế biến và tiêu thụ tại thị trường Việt Nam cũng cần phải truy xuất được nguồn gốc hợp pháp.
Tri Nhân – https://thoibaonganhang.vn/