Trong hai ngày 18 và 19/12, hội thảo và tập huấn “Cơ chế tham gia và hỗ trợ điều phối để thực hiện hiệu quả VPA cho các tổ chức CSOs” đã được tổ chức tại Huế với sự tham gia của 35 đại biểu đến từ các tổ chức CSO trong mạng lưới tham gia vào quá trình đàm phán “Hiệp định Đối tác tự nguyện – Thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (FLEGT-VPA)” (VNGOs-LEGT), Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ khu vực miền Trung, Miền Nam và miền Bắc, và các cơ quan liên quan.
Mục đích của hội thảo nhằm cung cấp thông tin cập nhật về thương mại gỗ và vai trò của các bên liên quan, đồng thời tập huấn xây dựng mạng lưới CSO-doanh nghiệp-Cộng đồng thông qua nhóm nòng cốt đa bên.
Trong phần hội thảo, các chuyên gia đến từ Trung tâm Giáo dục và Phát triển, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cung cấp thông tin cập nhật về về kiểm soát, thương mại gỗ và sản phẩm gỗ; Kiểm soát gỗ và sản phẩm gỗ trong xuất khẩu, nhập khẩu qua biên giới; Kiểm soát thương mại gỗ trong nước; thảo luận về vai trò của các tổ chức CSOs, NGOs trong việc hỗ trợ, thực thi, kiểm soát thương mại gỗ hợp pháp. Một số ý kiến đáng chú ý trong phần cập nhật thông tin là nội dung về VNTLAS hay trách nhiệm giải trình…
Bà Tô Kim Liên, Giám đốc Trung tâm Giáo dục và Phát triển đã giải đáp những thắc mắc của các đại biểu về chứng chỉ FSC hay hệ thống phân loại doanh nghiệp. Bà cho hay tất cả các doanh nghiệp muốn xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường châu Âu đều phải xin cấp phép FLEGT cho từng lô hàng, không gộp các giấy phép như FSC, CoC, hay PEFC làm một, không thay thế cho FLEGT được. Chỉ có duy nhất những lô gỗ hoặc sản phẩm gỗ có giấy phép CITES là không phải xin cấp phép FLEGT. Tuy nhiên, các doanh nghiệp có những chứng chỉ tự nguyện như FSC, CoC, PEFC sẽ có lợi thế khi xếp loại doanh nghiệp. Hệ thống phân loại doanh nghiệp sẽ do cơ quan Kiểm lâm hoặc một cơ quan do Chính phủ giao nhiệm vụ vận hành. Doanh nghiệp muốn đạt loại 1 sẽ phải tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc quy định trong Phụ lục V của VPA.
Đại diện từ các Hiệp hội doanh nghiệp đã đưa ra nhiều ý kiến nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân tham gia vào thương mại gỗ. Trong đó, các ý kiến tập trung vào hỗ trợ các làng nghề gỗ vì đây là đối tượng hầu như sử dụng các nguồn gỗ quý, hiếm, gỗ cấm, gỗ tự nhiên… nên sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí không thể tiếp tục kinh doanh trong thời gian tới khi VPA yêu cầu nghiêm ngặt về nguồn gốc gỗ.
Các ý kiến cho rằng bên cạnh tăng cường tư vấn về kiến thức, công cụ tiếp cận thông tin cho người làm nghề, Hiệp hội doanh nghiệp có thể phát triển dòng sản phẩm mới, dự án mới, đa dạng về mẫu mã và loại gỗ, phù hợp với yêu cầu của VPA; xây dựng chợ đầu mối gỗ; hỗ trợ các sáng kiến giúp phát triển sản phẩm gỗ có nguồn gốc rõ ràng, kết nối, mở rộng thị trường gỗ; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi ngành nghề trong trường hợp các doanh nghiệp không thể đáp ứng nổi các yêu cầu nghiêm ngặt.
Cũng trong chương trình, các đại biểu đã tham gia tập huấn về xây dựng mạng lưới CSO-Doanh nghiệp-Cộng đồng thông qua nhóm nòng cốt đa bên và thảo luận “Tăng cường tiếng nói và tiếp cận thông tin và tham gia vào quá trình thực hiện VPA (giám sát thực thi VNTLAS/OCS)”.
Khó khăn truy xuất nguồn gốc lâm sản (VTV):
Môi trường: Quản trị rừng và lâm sản bền vững. (VTV):
Xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2017: Đón cơ hội từ Hiệp định FLEGT/VPA (goviet.org.vn)