Nhóm Nòng cốt đa bên về VPA/FLEGT họp lần thứ ba

Sáng ngày 8/3/2018, Trung tâm Giáo dục và Phát triển (CED) đã tham dự cuộc họp lần thứ ba của nhóm nòng cốt đa bên về Hiệp định đối tác tự nguyện về Quản trị rừng, Thương mại lâm sản và Thực thi lâm luật (gọi tắt là VPA-FLEGT) với vai trò là đồng chủ tịch trong phiên họp lần này

Cuộc họp lần thứ 3 của nhóm nòng cốt đa bên về Hiệp định VPA/FLEGT

Nhóm nòng cốt thực thi đa bên (gọi tắt là nhóm nòng cốt đa bên) ra đời để trở thành đầu mối điều phối sự thúc đẩy và tham gia của các bên trong quá trình thực thi Hiệp định VPA-FLEGT. Nhóm bao gồm các đại diện từ khu vực tư nhân, hội ngành gỗ, tổ chức phi chính phủ, viện nghiên cứu, các đối tác phát triển và cơ quan xác minh. Cuộc họp thường niên của Ủy ban thực thi chung (JPC/JIC) với Tổng cục Lâm nghiệp (VNFOREST) là chủ tọa cùng một đồng chủ tọa là một thành viên bất kỳ trong nhóm theo chu kỳ luân phiên (trong phiên thứ 3 đồng chủ tọa là CED), để đề xuất các vấn đề cho JPC/JIC xem xét nhằm thúc đẩy tiến trình của VPA-FLEGT.

Cuộc họp lần thứ ba của Nhóm nòng cốt đa bên diễn ra trong 2 phiên với phiên buổi sáng tập trung vào cập nhật những diễn biến mới nhất của VPA-FLEGT và thảo luận về kế hoạch hoạch hoạt động, thông tin và truyền thông trong giai đoạn thực thi Hiệp định; phiên buổi chiều đi sâu vào giám sát độc lập việc thực thi VPA và đề xuất vấn đề, phương pháp, công cụ giám sát. Bà Tô Kim Liên tham dự phiên sáng với vai trò là đồng chủ tọa.

Phát biểu khai mạc phiên buổi sáng của cuộc họp, ông Nguyễn Văn Hà – Phó Tổng cục trưởng VNFOREST tổng quan về vai trò, chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu thành viên của nhóm nòng cốt đa bên. Ông khẳng định, chức năng truyền thông, giám sát và kiến nghị là những chức năng quan trọng nhất của nhóm. Ở thời điểm hiện tại, truyền thông là chiến lược chính. Tất cả các đối tượng của Hiệp định, bao gồm các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng cần phải hiểu rõ nội dung của VPA và chuẩn bị tuân thủ.

Bà Nguyễn Tường Vân (trái) – Phó Vụ trưởng, Vụ Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế (DOSTIC – VNFOREST) cập nhật 4 nội dung chính về VPA/FLEGT: nhóm nòng cốt, kế hoạch xây dựng văn bản pháp luật, tiến trình phê chuẩn hiệp định và kế hoạch trong năm 2018.

Tính đến ngày 5/3/2018, nhóm nòng cốt bao gồm 28 thành viên, trong đó có 26 thành viên chính thức và 2 quan sát viên (Phái đoàn EU và Đại sứ quán Phần Lan). 26 thành viên chính thức bao gồm: 7 tổ chức phi chính phủ, 6 hội và hiệp hội, 2 viện và trung tâm nghiên cứu, 4 đơn vị trực thuộc TCLN, 4 tổ chức và dự án quốc tế và 3 thành viên khác (gồm VUSTA, VCCI và Câu lạc bộ lâm nghiệp). Cơ quan thường trực của VNFOREST sẽ quản lý tài liệu và hỗ trợ nhóm nòng cốt, duy trì hoạt động và huy động kinh phí cho nhóm.

Với hoạt động xây dựng văn bản pháp luật, bà Vân nêu lên những điểm mới chính trong 4 nghị định và 7 thông tư mà VNFOREST đang soạn thảo sắp sửa đưa vào lấy ý kiến. Tất cả những quy định này đều có ảnh hưởng quan trọng tới Hiệp định và các đối tượng của Hiệp định. Bà nhấn mạnh việc xây dựng các văn bản này cần nhiều buổi tham vấn, lấy ý kiến bởi vậy, TCLN rất cần sự hỗ trợ về kinh phí tổ chức.

Trong năm 2018, nhóm nòng cốt phải tập trung vào những hoạt động ưu tiên để đảm bảo được 7 kết quả đầu ra mong đợi, gồm: (1) hoàn tất quá trình phê chuẩn hiệp định; (2) hoàn thiện quá trình xây dựng văn bản pháp luật; (3) đưa ra kế hoạch chi tiết về đầu tư và thực hiện VNTLAS; (4) có các nghiên cứu để chuẩn bị cho VNTLAS và cấp phép FLEGT; (5) đánh giá nhu cầu và triển khai các hoạt động truyền thông; (6) có bộ tài liệu chuẩn thông tin về VPA-FLEGT và phổ biến đến các đối tượng và (7) đánh giá được hiện trạng và có kế hoạch hành động cho Phụ lục VIII về công bố thông tin được soạn thảo. Các hoạt động phải triển khai đều rất cần sự tư vấn, hỗ trợ và sự đồng lòng thực hiện của tất cả các thành viên nhóm nòng cốt.

Bà Tô Kim Liên – Giám đốc CED đã trình bày về đề xuất các hoạt động liên quan đến nhóm nòng cốt. Bà nhấn mạnh cần có sự kết nối chặt chẽ và phân công công việc rõ ràng hơn giữa các tổ chức phi chính phủ (NGOs), các tổ chức xã hội dân sự (CSOs), các hiệp hội và các cơ quan chính phủ.

Cụ thể, theo bà, cơ quan chính phủ sẽ là những người cung cấp thông tin và hỗ trợ chính nguồn lực; các thành viên còn lại phải cố gắng thể hiện tốt vai trò của mình trong hoạt động tham gia ý kiến, xây dựng và triển khai những nguồn lực đó. Do việc tham gia vào nhóm nòng cốt dựa trên nguyên tắc tự nguyện, tức là các thành viên được tự do đăng ký, rút khỏi nhóm tùy theo nhu cầu nên việc tự ý thức rõ về trách nhiệm của bản thân khi đã tham gia nhóm của các thành viên cần phải nâng cao hơn nữa. Tổ chức đã tham gia vào nhóm cần tự giác đóng góp xây dựng nhóm và hoạt động một cách tích cực.

Ông Edwin Sharks – Đại diện FAO nhấn mạnh vai trò của truyền thông và đề xuất kế hoạch cho giai đoạn thực thi VPA-FLEGT.

Nhiều ý kiến của các đại biểu nhằm duy trì phát huy vai trò của nhóm nòng cốt cũng được nêu ra như: yêu cầu sự tham gia tích cực của mỗi thành viên nhóm, có cơ chế vận hành bài bản và nguồn kinh phí tối thiểu.

Đại diện của nhiều đơn vị như Câu Lạc bộ Lâm nghiệp hay Hiệp hội các Vườn Quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên, GIZ, FAO hay VNFOREST đều cam kết hoặc ngỏ ý sẽ hợp tác và giúp đỡ nhóm nòng cốt trong các hoạt động truyền thông, chuyên môn và hỗ trợ kinh phí,…

Buổi chiều, các đại biểu đã tham gia “Diễn đàn các tổ chức xã hội và giám sát quản trị rừng”. Các đại biểu đã dự thảo Khung giám sát quản trị rừng, trong đó có nội dung giám sát VNTLAS/LD (Như điều 15 của Hiệp định) và giám sát tác động của VPA/FLEGT (như điều 16 của Hiệp định). Ông Trần Ngọc Tuệ (Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững – SRD) cho biết đã có một số chuyên gia như Edwin, SRD, GIZ đang tiến hành soạn thảo bản Chiến lược điều phối và bổ trợ lẫn nhau trong việc Giám sát Quản trị rừng/VPA và Đánh giá tác động VPA như đưa ra tại khung JIF. Ông Tuệ kêu gọi các đại biểu quan tâm thì đăng ký tham gia nhóm này.

Định hướng giám sát tác động của Mạng lưới VNGO-FLEGT đã nhận được những ý kiến góp tập trung vào các nội dung như: tập trung giám sát tác động về các mặt sinh kế, xã hội và môi trường của VPA/FLEGT đến nhóm hộ gia đình trong chuỗi cung gỗ; Mạng lưới VNGO-FLEGT nên chọn một số địa bàn có các nhóm hộ gia đình trong chuỗi cung gỗ để thực hiện giám sát định kỳ…

Hiện nay, tiến trình VPA-FLEGT đã xong khâu rà soát pháp lý và đang được EU gửi văn bản nội bộ lấy ý kiến. Dự kiến đến tháng 6/2018, Hiệp định sẽ được ký kết và cuối năm 2018 sẽ được phê chuẩn.