Khai thác gỗ bất hợp pháp để chỉ việc khai thác, chế biến, vận chuyển, mua hay bán gỗ trái với luật pháp quốc gia và quốc tế. Khai thác gỗ bất hợp pháp có tác động tàn phá những diện tích rừng quí giá nhất còn lại trên thế giới, và gây ảnh hưởng tới người dân sống trong rừng và dựa vào tài nguyên rừng.
Việt nam đang nhập khẩu một khối lượng gỗ lớn từ những nước trong khu vực, bao gồm Lào, Thái Lan, Căm pu chia, Ma lai xia, và Trung Quốc. Sản phẩm gỗ của Việt Nam được xuất khẩu sang hơn 100 nước, trong đó có những thị trường cao cấp và có ý thức môi trường như Châu Âu, Mỹ và Nhật Bản. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường, Việt Nam cần nhập khẩu gỗ từ nhiều nước, trong đó có những nước có nguy cơ đang sử dụng gỗ bất hợp pháp hoặc không rõ nguồn gốc.
Tác động
Ảnh hưởng về môi trường từ việc khai thác gỗ bất hợp pháp bao gồm nạn tàn phá rừng, mất đa dạng sinh học và phát thải khí nhà kính. Khai thác gỗ bất hợp pháp góp phần gây xung đột với người dân địa phương và bản địa, bạo lực, vi phạm quyền con người, tham nhũng, cung cấp tài chính cho các cuộc xung đột vũ trang và làm tình trạng đói nghèo tồi tệ hơn. Khai thác gỗ bất hợp pháp làm cho việc thực thi luật pháp trong ngành lâm nghiệp suy yếu và cản trở những hoạt động thực thi quản lý rừng bền vững của chính phủ.
Quy mô của vấn đề:
- Quy mô khai thác gỗ bất hợp pháp khó đánh giá được. theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, chính phủ các nước đang mất khoảng 10 tỉ đến 15 tỉ USD mỗi năm do khai thác gỗ bất hợp pháp – số tiền lẽ ra được dành để cải thiện cuộc sống của người dân.
- Với việc mua gỗ và sản phẩm gỗ “không quan tâm đến nguồn gốc”, các quốc gia tiêu dùng ở Liên minh Châu Âu và các quốc gia khác đã vô tình cung cấp tài chính cho tội phạm rừng và làm cho việc thực thi luật pháp ở một số nước sản xuất gỗ nghèo nhất trên thế giới suy yếu.
Giải quyết vấn đề:
- Các quốc gia sản xuất và tiêu thụ chia sẻ trách nhiệm trong cuộc chiến chống khai thác gỗ bất hợp pháp, giải quyết vấn nạn gỗ bất hợp pháp từ cả phía cung và phía cầu.
- Chương trình Hành động 1998-2002 G8 về rừng đã nhấn mạnh khai thác gỗ bất hợp pháp là một trong năm vấn đề ảnh hưởng đến rừng toàn cầu. Kể từ đó, các chính phủ và khu vực tư nhân đã đưa ra nhiều sáng kiến để giải quyết vấn đề này.
- Năm 2003, Liên minh Châu Âu đã công bố Kế hoạch Hành động Thực thi Luật Lâm nghiệp, Quản trị rừng và buôn bán gỗ FLEGT). Kế hoạch Hành động này đưa ra bảy biện pháp để Liên minh Châu Âu và các quốc gia thành viên giải quyết vấn nạn khai thác gỗ bất hợp pháp ở các khu rừng trên toàn cầu.