VPA định nghĩa ‘‘gỗ hợp pháp” là gỗ, sản phẩm gỗ được khai thác hay nhập khẩu và chế biến tuân thủ theo pháp luật Việt Nam, và phù hợp với quy định pháp luật của quốc gia khai thác đối với gỗ nhập khẩu. Điều này có nghĩa rằng sản phẩm gỗ hợp pháp phải có nguồn gốc hợp pháp và được sản xuất hợp pháp tại tất cả các giai đoạn của chuỗi cung ứng gỗ.
Định nghĩa hợp pháp trong VPA nêu các yêu cầu cơ bản của pháp luật Việt Nam áp dụng đối với gỗ về mặt nguyên tắc, tiêu chí, và bằng chứng xác minh. Tất cả các yếu tố và tiêu chí nêu trong định nghĩa tính hợp pháp cần phải được tuân thủ thì gỗ và sản phẩm gỗ đó mới được coi là sản xuất hợp pháp. Định nghĩa tính hợp pháp trong VPA được chia theo hai đối tượng: “tổ chức” (các chủ thể đăng ký là doanh nghiệp hay hợp tác xã) và “hộ gia đình” (bao gồm các hộ cá thể, cá nhân, và cộng đồng thôn cư).
Vì vậy để xác định nguồn gốc hợp pháp của gỗ, doanh nghiệp cần xây dựng bản đồ chuỗi cung ứng của doanh nghiệp để xác định và lưu giữ thông tin đầy đủ trong toàn bộ chuỗi cung.
Mỗi nhóm (hộ gia đình hay tổ chức) trong định nghĩa tính hợp pháp đều bao gồm 7 nguyên tắc:
- Nguyên tắc I: Khai thác gỗ trong nước tuân thủ các quy định về quyền sử dụng đất, sử dụng rừng, quản lý, môi trường và xã hội
- Nguyên tắc II: Tuân thủ các quy định về xử lý gỗ tịch thu
- Nguyên tắc III: Tuân thủ các quy định về nhập khẩu gỗ
- Nguyên tắc IV: Tuân thủ các quy định về vận chuyển, mua bán gỗ
- Nguyên tắc V: Tuân thủ các quy định về chế biến gỗ
- Nguyên tắc VI: Tuân thủ các quy định về xuất khẩu
- Nguyên tắc VII (Tổ chức): Tuân thủ các quy định về thuế và người lao động.
- Nguyên tắc VII (Hộ gia đình): Tuân thủ các quy định về thuế
Để tuân thủ định nghĩa tính hợp pháp và chứng minh là gỗ và sản phẩm gỗ được “chế biến hợp pháp”, ‘tổ chức’ và ‘hộ gia đình’ sẽ cần tuân thủ tất cả các tiêu chí tương ứng đặt ra trong 7 nguyên tắc đó.
Nguồn: VNFOREST
Hiểu thêm về định nghĩa Gỗ hợp pháp trong video dưới đây:
Tải xuống Định nghĩa gỗ hợp pháp của Việt Nam